Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 1/5 cam kết hỗ trợ một cách có hệ thống cho các địa phương ở nước này theo đuổi các dự án hợp tác liên Triều, cho rằng những việc này sẽ giúp bù lại những hạn chế của chính quyền trung ương trong hợp tác liên Triều.
Bộ trưởng Kim Yeon-chul đưa ra cam kết trên tại một diễn đàn của Quốc hội Hàn Quốc về các nỗ lực hợp tác xuyên biên giới, vốn bị hạn chế do các lệnh trừng phạt quốc tế và sự chậm chạp trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Quan chức này nói: "(Tôi) sẽ nỗ lực hỗ trợ một cách có hệ thống các chính quyền tỉnh để đảm bảo rằng họ có thể tiến hành các dự án hợp tác và trao đổi liên Triều một cách tích cực và hài hòa hơn. Hợp tác và trao đổi liên Triều sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu chính quyền tỉnh khai thác những đặc điểm và lợi thế tương ứng của họ để bù lại những hạn chế của chính quyền trung ương."
[Hàn Quốc sẽ đi đầu trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên]
Bộ trưởng Kim Yeon-chul cũng lưu ý rằng mức độ hợp tác xuyên biên giới hiện nay vẫn chưa đáp ứng được "kỳ vọng và nhu cầu" của chính quyền các tỉnh. Tuy nhiên, vai trò của chính quyền tỉnh sẽ tăng lên để đảm bảo rằng "quan hệ liên Triều sẽ mở rộng và các trao đổi (liên Triều) trở nên sôi nổi."
Tuyên bố của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc được đưa ra ít ngày sau khi hai nước kỷ niệm một năm ngày tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố chung Panmumjom trong đó thống nhất cùng nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương, theo đó hạ nhiệt căng thẳng quân sự và mở rộng trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.
Không chỉ mang lại làn gió mới cho quan hệ ngoại giao song phương, hội nghị còn giúp xoa dịu những thù hận vốn phủ bóng quan hệ song phương trong nhiều năm và tái khởi động những mối liên hệ và trao đồi đã đình trệ từ lâu.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai bên đã tổ chức 36 vòng đối thoại liên chính phủ trong năm 2018, với hai hội nghị thượng đỉnh trong tháng Năm và tháng Chín cùng năm.
Số người qua lại biên giới hai miền năm 2018 tăng lên 7.498 người so với con số 115 người của năm trước đó, hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán vì chiến tranh cũng được nối lại sau ba năm, các hoạt động khảo sát chung để đánh giá tình trạng một số tuyến đường bộ và đường sắt tại Triều Tiên cũng đã được thực hiện; văn phòng liên lạc chung đã được mở cửa từ tháng 9/2018 tại thị trấn biên giới Triều Tiên Kaesong.
Tuy nhiên, những hoạt động trao đổi xuyên biên giới có dấu hiệu chững lại trong vài tháng gần đây, dường như do tác động của sự đình trệ trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Quan ngại gia tăng sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua kết thúc mà không có thỏa thuận.
Đàm phán phi hạt nhân hóa đình trệ trong khi có ít dấu hiệu cho thấy việc nới lỏng hay xóa bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên có thể sớm diễn ra đã khiến một loạt dự án xuyên biên giới trên nhiều lĩnh vực từ y tế, kinh tế đã bị trì hoãn.
Hàn Quốc mong muốn dùng hợp tác kinh tế để thúc đẩy bầu không khí hòa bình và tạo động lực cho Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng sự phản đối của Mỹ đã ngăn cản những nỗ lực này.
Triều Tiên đã chỉ trích sự trì hoãn này đồng thời kêu gọi Hàn Quốc chủ động triển khai các dự án hai bên đã thống nhất.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng Hàn Quốc nên từ bỏ ý định làm trung gian cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc mà thay vào đó cần thể hiện lập trường bảo vệ lợi ích cho người dân hai miền Triều Tiên.
Với mong muốn tháo gỡ bế tắc và khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây đã bày tỏ hy vọng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 4 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng phía Triều Tiên chưa phản hồi về đề nghị này./.