Theo Reuters, ngày 27/7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cảnh báo nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm các biện pháp nhằm kiềm chế năng lực tấn công mạng, nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.
Ông Park cho rằng Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị để tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này kể từ năm 2017.
Theo Ngoại trưởng Park, Triều Tiên đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc do chương trình hạt nhân và tên lửa. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết "mạnh mẽ và chặt chẽ hơn" nếu Triều Tiên thử hạt nhân, trong đó các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tin tặc Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng Triều Tiên đã huy động hàng nghìn tin tặc để đánh cắp tiền, bao gồm tiền điện tử, để phát triển vũ khí.
Ngày 22/7, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tập trung nỗ lực vào việc thuyết phục Triều Tiên không tiếp tục chương trình hạt nhân thông qua những bước đi nhằm xây dựng sự tin cậy giữa hai nước, qua đó để chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un "cảm thấy không còn cần thiết" theo đuổi chương trình này nữa.
Trong báo cáo chính sách gửi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Bộ trên đã vạch ra các biện pháp để thực hiện kế hoạch "táo bạo" nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Bộ trưởng Thống nhất Kwon Young-se đã trực tiếp báo cáo Tổng thống Yoon Suk-yeol về các chi tiết của kế hoạch tại Văn phòng tổng thống.
[Bình Nhưỡng cảnh báo về nguy cơ "Chiến tranh Triều Tiên mới"]
Bộ Thống nhất cũng cho biết sẽ tìm kiếm "việc thực hiện theo từng giai đoạn và đồng thời" việc phi hạt nhân hóa và các biện pháp tương ứng thay vì áp dụng cách tiếp cận "thỏa thuận lớn" trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch phát triển quan hệ "bền vững" với Triều Tiên và tích cực tìm kiếm hợp tác nhân đạo bất chấp tình hình chính trị và quân sự.
Trong nỗ lực giúp khôi phục "sự tương đồng" giữa hai miền Triều Tiên, cơ quan này cũng đang xem xét biện pháp để các kênh truyền thông của Triều Tiên có thể tiếp cận được với người dân ở Hàn Quốc.
Trao đổi với báo giới, một quan chức giấu tên nói: "Kế hoạch táo bạo sẽ không chỉ bao gồm hỗ trợ kinh tế mà còn giải quyết vấn đề an ninh mà Triều Tiên đã bày tỏ quan ngại."
Quan chức này cho biết Hàn Quốc sẵn sàng tìm kiếm sự đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên "trong chừng mực mà Bình Nhưỡng không còn cảm thấy cần phải phát triển hạt nhân."
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Triều Tiên rơi vào bế tắc trong thời gian dài.
Dù Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định sẵn sàng trở lại đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện đi kèm nhưng phía Bình Nhưỡng vẫn chưa hồi đáp những đề nghị này./.