Hàn Quốc chính thức giải thể quỹ liên quan ''phụ nữ mua vui''

Hàn Quốc đã chính thức giải thể quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương, do Nhật Bản thành lập tại Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật trong Thế chiến 2
Hàn Quốc chính thức giải thể quỹ liên quan ''phụ nữ mua vui'' ảnh 1Bức tượng biểu tượng cho phụ nữ mua vui được đặt trước Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hãng tin Kyodo ngày 5/7 dẫn một nguồn thạo tin đưa tin Hàn Quốc đã chính thức giải thể quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương, do Nhật Bản thành lập tại Hàn Quốc, theo thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Sau khi quyết định giải thể Quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương (còn gọi là quỹ "phụ nữ mua vui") tháng 11/2018, Hàn Quốc đã thực hiện các thủ tục giải thể quỹ này mà không cần sự đồng ý từ Nhật Bản.

Theo một quan chức thuộc Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, Hàn Quốc đã thông báo cho đại diện quỹ về việc hoàn tất quá trình giải thể quỹ vào ngày 4/7. Hiện vẫn phải tiến hành một số thủ tục, trong đó có việc thanh lý các tài sản của quỹ.

Sau những thông tin về việc Hàn Quốc chính thức giải thể quỹ trên, trong một tuyên bố ngày 5/7, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura khẳng định Nhật Bản "không bao giờ có thể chấp nhận" quyết định này của Hàn Quốc.

[Nhật Bản kêu gọi Hàn Quốc duy trì thỏa thuận về "phụ nữ mua vui"]

Chính phủ Nhật Bản cũng nhắc lại lời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc thực thi thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề "phụ nữ mua vui" thông qua kênh ngoại giao.

Theo thỏa thuận đạt được tháng 12/2015, dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm giải quyết "dứt điểm" vấn đề "phụ nữ mua vui," Tokyo sẽ cung cấp 1 tỷ yen (9,27 triệu USD) cho Quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương để hỗ trợ các phụ nữ và gia đình những người bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên không được dư luận Hàn Quốc hưởng ứng một phần là do nhiều người cho rằng nó không phản ánh được quan điểm những người đã từng bị ép làm "phụ nữ mua vui."

Dưới thời chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, Seoul đã xúc tiến để giải thể quỹ này. Trước khi đưa ra quyết định giải thể quỹ, Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul không có ý định tranh cãi về thỏa thuận hoặc tái đàm phán với Tokyo.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ngày một gia tăng liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến. Nhật Bản đã quyết định siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình điện thoại thông minh - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn, đồng thời khẳng định việc hạn chế này là vì lý do an toàn.

Về phần mình, Hàn Quốc đã chỉ trích quyết định trên của Nhật Bản, cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả trực tiếp nếu Nhật Bản vẫn duy trì chính sách đó.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi trong lịch sử liên quan đến việc Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức thời chiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.