Hàn Quốc công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD nhằm thống trị ngành chip bán dẫn

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 23/5 công bố gói hỗ trợ ngành sản xuất chip trị giá 26.000 tỷ won (19 tỷ USD) nhằm củng cố lĩnh vực thiết yếu này trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 23/5 công bố gói hỗ trợ ngành sản xuất chip trị giá 26.000 tỷ won (19 tỷ USD) nhằm củng cố lĩnh vực thiết yếu này trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh toàn cầu.

Kế hoạch trên được công bố trong cuộc họp liên ngành về các vấn đề kinh tế có sự tham gia của các bộ và các cơ quan quản lý tài chính. Gói này bao gồm các chương trình hỗ trợ tài chính, sáng kiến nghiên cứu và phát triển, cũng như hỗ trợ hạ tầng cho các nhà sản xuất chip, nhà cung cấp vật liệu và các công ty chuyên thiết kế chip.

Trọng tâm của kế hoạch là tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 17.000 tỷ won (12,5 tỷ USD) dành riêng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch gia hạn thời gian miễn giảm thuế, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là vào dự án cụm siêu bán dẫn ở tỉnh Gyeonggi.

Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ thành lập một quỹ công nghiệp chip trị giá 1.000 tỷ won (730 triệu USD) để hỗ trợ các công ty cung ứng vật liệu và sản xuất chip, đồng thời xây dựng hạ tầng phục vụ nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại cuộc họp, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh rằng gói hỗ trợ nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng thống tin tưởng rằng nếu doanh nghiệp mở rộng đầu tư và có lợi nhuận tăng lên nhờ ưu đãi thuế, người dân sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tăng số lượng việc làm chất lượng cao, góp phần phục hồi nền kinh tế và tăng doanh thu thuế.

Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi các bộ liên quan đưa ra các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chip hệ thống và gia công theo yêu cầu nhằm thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này và nâng cao hơn nữa vị thế của Hàn Quốc.

Hàn Quốc hiện có hai tập đoàn Samsung và SK đang dẫn đầu thế giới về sản xuất chip nhớ. Tuy nhiên, hai hãng lại có thị phần gia công chip theo yêu cầu thấp hơn so với tập đoàn TSMC.

Một báo cáo gần đây của Mỹ cho thấy Hàn Quốc được dự đoán sẽ chiếm gần 20% sản lượng bán dẫn toàn cầu vào năm 2032 và đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, hợp tác với Tập đoàn Tư vấn Boston, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được dự đoán sẽ chiếm 19% sản lượng chip toàn cầu trong tám năm tới.

Báo cáo đánh giá Hàn Quốc đã đầu tư phát triển ngành bán dẫn ngay từ giai đoạn đầu, giúp hai hãng sản xuất chip Samsung Electronics và SK hynix phát triển thành những cường quốc bán dẫn toàn cầu với sản lượng của mỗi hãng chiếm hơn một nửa thị trường bộ nhớ flash NAND và DRAM toàn cầu.

Do vậy, tới năm 2032, khi Trung Quốc được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới, chiếm 21% sản lượng bán dẫn toàn cầu, sản lượng bán dẫn của Hàn Quốc được dự đoán sẽ đạt 19%, tăng hai điểm phần trăm so với mức 17% được ghi nhận vào năm 2022 và đánh dấu mức cao kỷ lục để đứng thứ hai trên thế giới.

Như vậy, Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vốn đang giữ vị trí thứ hai. Trong khi đó, Đài Loan và Mỹ dự kiến sẽ chiếm lần lượt 17% và 14% vào năm 2032.

Tính đến năm 2022, Hàn Quốc chia sẻ vị trí thứ ba với Nhật Bản về sản xuất chip toàn cầu, sau Trung Quốc và Đài Loan, hiện chiếm lần lượt 24% và 18%.Tới năm 2032, Hàn Quốc dự kiến sẽ gia tăng đáng kể về năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn.

Báo cáo đã chia các khu vực sản xuất chip trên thế giới thành bảy khu vực: Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và các khu vực khác. Thị phần sản phẩm của Hàn Quốc ngày càng tăng do năng lực sản xuất tăng lên đáng kể so với các khu vực khác, thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn.

Báo cáo ước tính tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc từ năm 2022-2032 được dự đoán sẽ cao thứ hai sau Mỹ (203%), trước châu Âu (124%), Đài Loan (97%), Nhật Bản (86%), Trung Quốc đại lục (86%) và các khu vực khác (62%).

So với năm 2012, tốc độ tăng trưởng công suất bán dẫn của Hàn Quốc vào năm 2022 (90%) chỉ đứng sau mức kỷ lục 365% của Trung Quốc. Cùng thời gian này, tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất ở các khu vực khác theo thứ tự là Đài Loan (67%), châu Âu (63%) và Nhật Bản (36%). Mỹ ở vị trí thấp nhất với 11%.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất chip dưới 10 nanomet của Hàn Quốc, bao gồm cả các quy trình tiên tiến, dự kiến sẽ giảm đáng kể từ 31% vào năm 2022 xuống còn 9% vào năm 2032. Tỷ lệ của Đài Loan cũng dự kiến sẽ giảm từ 69% xuống 47% trong giai đoạn này.

Ngược lại, Mỹ sẽ tăng thị phần sản xuất chip tiên tiến lên 28% công suất toàn cầu vào năm 2032, từ mức 0% vào năm 2022. Mỹ dự kiến sẽ chiếm 28% tổng chi tiêu vốn toàn cầu từ năm 2024-2032, đứng thứ hai sau Đài Loan (31%).

Điều này là do sự gia tăng đáng kể về đầu tư, chẳng hạn như xây dựng các nhà máy cho các quy trình tiên tiến, vì Chính phủ Mỹ khuyến khích đầu tư vào các cơ sở này thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học.

Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ cung cấp 52,7 tỷ USD, bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn và 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Đạo luật Chips EU, trong khi Trung Quốc khởi xướng giai đoạn thứ ba của Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp và nhiều chương trình khuyến khích khác đã xuất hiện trên khắp thế giới, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....