Hàn Quốc công bố “Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với COVID-19”

Trong giai đoạn 30 ngày đầu tiên, chính phủ mới sẽ cân nhắc tuyên bố "bãi bỏ việc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời" sau khi xem xét tình hình dịch bệnh vào cuối tháng 5.
Hàn Quốc công bố “Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với COVID-19” ảnh 1Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban chuyển tiếp của chính phủ mới ở Hàn Quốc, ông Ahn Cheol-soo ngày 27/4 đã công bố "Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với dịch COVID-19."

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu với báo giới, ông Ahn Cheol-soo cho biết lộ trình 100 ngày bắt đầu tính từ sau khi chính phủ mới ra mắt ngày 10/5 cho tới tháng 8 năm nay.

Nhiều chuyên gia đang dự báo về khả năng xuất hiện biến thể mới, làm dịch bệnh tái bùng phát mạnh. Do vậy, chính phủ cần xây dựng chương trình để sẵn sàng đối phó.

Lộ trình 100 ngày bao gồm 4 phương hướng triển khai và 34 biện pháp cụ thể. Bốn phương hướng gồm thiết lập cơ chế xúc tiến chính sách phòng dịch trên căn cứ khoa học, xây dựng hệ thống đối phó bền vững với bệnh truyền nhiễm, bảo vệ chắc chắn cho nhóm rủi ro cao và tầng lớp yếu thế, đảm bảo vaccine an toàn và thuốc điều trị đầy đủ.

Ủy ban chuyển tiếp chia các biện pháp thực hiện thành các giai đoạn, gồm 30 ngày, 50 ngày và 100 ngày sau khi chính phủ mới ra mắt.

Cụ thể, trong giai đoạn 30 ngày đầu tiên, chính phủ mới sẽ cân nhắc tuyên bố "bãi bỏ việc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời" sau khi xem xét tình hình dịch bệnh vào cuối tháng 5.

Bộ Y tế và phúc lợi và Cơ quan quản lý dịch bệnh Trung ương sẽ xây dựng các tiêu chuẩn chính xác về việc khi nào bỏ đeo khẩu trang ngoài trời, khi nào bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà.

Trong vòng 30 ngày đầu tiên, cơ quan chức năng cũng phải tiến hành việc điều tra trên phạm vi toàn quốc về tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ xây dựng phương án phòng ngừa lây nhiễm tại trường học, biện pháp bảo vệ người cao tuổi tại các cơ sở điều dưỡng, giải pháp đảm bảo giường bệnh và nhân lực y tế đối phó với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19.

Chính phủ mới sẽ quyết định về phương án kê thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer cho nhóm rủi ro cao ngay trong ngày bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19, và phương án nhập thêm 1.009.000 liều thuốc điều trị, ngoài 1.062.000 liều dự kiến nhập hiện tại.

Một trong các biện pháp được xúc tiến thực hiện trong vòng 50 ngày sau khi chính phủ mới ra mắt là đẩy mạnh hệ thống điều trị bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân đặc biệt, hỗ trợ về tâm lý cho các đối tượng cần được chăm sóc; chuyển đổi sang hệ thống đối phó với COVID-19 tập trung tại các cơ sở y tế thông thường, như bệnh viện quy mô nhỏ, phòng khám.

[Hàn Quốc: Chính quyền mới xem xét điều chỉnh quy định phòng dịch]

Ngoài ra, chính phủ mới sẽ xóa bỏ Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật, lập ra một cơ quan cố vấn về đối phó với bệnh truyền nhiễm trực tiếp dưới quyền Tổng thống.

Trong vòng 100 ngày sau khi ra mắt, chính phủ mới đặt mục tiêu tái lập hệ thống phòng dịch dựa trên căn cứ khoa học, xem xét phương án chuyển đổi phương thức giãn cách xã hội.

Chủ tịch Ủy ban chuyển tiếp Ahn Cheol-soo nhấn mạnh việc phòng dịch sẽ được thực hiện trên các tiêu chuẩn khoa học như bố trí bao nhiêu người, giãn cách ra sao, không theo cách thức đóng cửa hết toàn bộ nhà hàng, quán cà phê, phòng tập gym như trước.

Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ không ban lệnh cấm tụ tập áp dụng với toàn bộ một ngành nghề nào đó như trước đây.

Trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên, Hàn Quốc cũng sẽ triển khai một số biện pháp như xây dựng bệnh viện trung ương chuyên về bệnh truyền nhiễm, điều chỉnh hệ thống cảnh báo mức độ dịch bệnh, sửa đổi hệ thống cách ly, xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp về phòng dịch, lập kế hoạch tiêm mũi thứ 4 vaccine phòng  COVID-19.

Chính phủ mới sẽ xem xét phương án lập ra một quỹ riêng đối phó với bệnh truyền nhiễm để có thể sử dụng nguồn quỹ một cách linh hoạt, thay vì phải trích từ ngân sách trong năm, ngân sách bổ sung hoặc ngân sách dự phòng như trong thời gian qua.

Chính phủ mới sẽ tiến hành điều tra về tình hình di chứng hậu COVID-19, lập hệ thống hỗ trợ, nâng hạn mức hỗ trợ về chi phí điều trị khi gặp phản ứng bất thường sau tiêm chủng và tiền an ủi trường hợp tử vong lên lần lượt là 50 triệu won và 100 triệu won (39.600 tới 79.200 USD).

Thông qua cơ quan cố vấn, chính phủ mới sẽ ưu tiên và áp dụng các ý kiến của giới chuyên gia trong đối phó với dịch COVID-19, công bố một cách chính xác tình hình dịch bệnh bằng các dữ liệu khoa học, tăng cường trao đổi với người dân.

Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc hiện tiếp tục xu hướng giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tính đến sáng 27/4  là 76.787 ca, nâng tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch đến nay lên 17.086.626 ca.

Theo KDCA, số ca mắc ngày 27/4 tiếp tục giảm nhẹ so với mức 80.361 ca được ghi nhận trong ngày 26/4. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc là 22.466 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 546 người, giảm 67 người so với một ngày trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục