Trang mạng Straitstimes.com đưa tin khi các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên bị “đóng băng,” nhất là sau khi chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ bị hủy bỏ, niềm hy vọng lại đang được đặt lên vai Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm tạo ra một bước đột phá khi ông có cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Chín tới.
Nhận định về vai trò của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong cuộc gặp lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên tới đây, người phát ngôn của tổng thống hôm 26/8 nói rằng vai trò của ông Moon trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại bị đình trệ “đã trở nên lớn lao hơn.”
Người phát ngôn này cũng cho rằng Tổng thống Moon có thể giúp "mở rộng mức độ hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên."
[Thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới tay ông Kim Jong-un]
Theo nhận định của giới quan sát, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ gặp nhau vào khoảng trung tuần tháng Chín.
Các vấn đề thảo luận có thể gồm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các vấn đề liên Triều khác mà hai bên đã nhất trí thực hiện theo tinh thần của Tuyên bố chung Panmunjom được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất diễn ra hồi tháng Tư ở làng đình chiến Panmunjom.
Tuy nhiên, giới chuyên gia hiện bị chia rẽ quan điểm về mức độ mà Seoul có thể thực sự phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Hàn Quốc đang bị kẹt giữa đồng minh Mỹ và Triều Tiên, song lại mong muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Kế hoạch mở văn phòng liên lạc liên Triều dường như bị hoãn lại sau khi Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 27/8 nói rằng cần đánh giá lại vấn đề này do xuất hiện những “diễn biến mới.”
Khi quyết định hoãn chuyến công du của Pompeo, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/8 viện lý do thiếu “tiến triển đáng kể về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”
Washington và Bình Nhưỡng đều không tìm thấy điểm chung về cách thức thực hiện phi hạt nhân hóa. Nếu như Mỹ yêu cầu thực hiện các bước đi cụ thể, chẳng hạn như Triều Tiên phải chuyển một nửa số đầu đạn hạt nhân sang Anh thì chính quyền Bình Nhưỡng lại đòi hỏi Washington sớm đưa ra “phần thưởng,” trong đó có tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Để ông Moon phát huy hiệu quả vai trò trung gian của mình, tiến sỹ Cheong Seong-chang thuộc cơ quan nghiên cứu Sejong Institute cho rằng Hàn Quốc phải “dẫn dắt Mỹ tham gia cuộc thảo luận kín về những giai đoạn quan trọng trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và nêu ra những phần thưởng khi Bình Nhưỡng đạt được các mục tiêu (trong từng giai đoạn).”
Theo vị học giả này, Seoul và Washington cũng cần “thận trọng cân nhắc xem Bình Nhưỡng sẵn lòng ở mức độ nào khi chấp thuận thực hiện danh sách các biện pháp phi hạt nhân hóa mà Mỹ đưa ra,” đồng thời cảnh báo sự “lệch pha” giữa những mong muốn của Triều Tiên và những gì mà Mỹ sẵn sàng nhượng bộ.
Theo nhận định của tiến sỹ Cheong, chế độ Bình Nhưỡng cũng tỏ ra thận trọng khi không muốn để lộ bài quá sớm trước đối phương vì sợ mất lợi thế trong các cuộc thương lượng sau này.
Vì vậy, để Seoul thành công trong vai trò thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, điều thiết yếu là Hàn Quốc cần hỗ trợ và giúp đỡ Bình Nhưỡng và Washington đạt được nhất trí chung về các giai đoạn thực hiện phi hạt nhân hóa kèm theo phần thưởng cho Triều Tiên, ông Cheong nói.
Tuy nhiên, tiến sỹ Shin Beom-chul, nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Asan cho rằng Hàn Quốc, vốn là một đồng minh an ninh của Mỹ, không thể thúc đẩy (vai trò trung gian của mình) đi quá xa theo hướng có lợi cho Triều Tiên.
Ông cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đôi khi “cố gắng lợi dụng Hàn Quốc để gây sức ép với Mỹ.”
Học giả này phân tích thêm rằng xét từ góc độ quan điểm của Mỹ, Hàn Quốc là một đồng minh song đôi khi lại đưa ra những yêu cầu vì lợi ích của Triều Tiên. Điều này có thể gây ra sự hiểu nhầm và đặt Hàn Quốc vào thế khó xử./.