Ngày 12/11, Ủy ban An toàn vaccine ngừa COVID-19 chính thức ra mắt và đi vào hoạt động tại Hàn Quốc. Đây là tổ chức do các chuyên gia dân sự vận hành độc lập, không trực thuộc chính phủ, có chức năng phân tích, đánh giá mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và các phản ứng phụ sau tiêm.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ủy ban này gồm 22 chuyên gia, chủ yếu đến từ Viện Y học quốc gia Hàn Quốc - một tổ chức học thuật hàng đầu về lĩnh vực y học ở trong nước.
Thời gian tới, ủy ban sẽ tiến hành tổng hợp, phân tích các trường hợp có phản ứng phụ bất thường sau tiêm cả ở bên trong và ngoài Hàn Quốc nhằm đưa ra các kết luận khoa học.
Ủy ban An toàn vaccine phòng COVID-19 ra mắt trong bối cảnh tỷ lệ hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hàn Quốc đã đạt trên 77%, nhưng tâm lý của một bộ phận người dân vẫn còn bất an về nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng sau tiêm.
Theo nhận định của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), kể từ sau khi nước này triển khai kế hoạch “Sống chung với COVID-19” giai đoạn 1, số ca nhiễm mới ở người trên 60 tuổi và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi có chiều hướng tăng.
So với các nhóm tuổi khác, số ca nhiễm mới là người cao tuổi đã hoàn thành tiêm chủng ở mức cao, kéo theo nguy cơ xảy ra lây nhiễm tập thể tại các cơ sở điều dưỡng và viện dưỡng lão.
Cho đến nay, 81,4% dân số Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 77,6% đã tiêm đủ liều.
[Hơn 5 triệu người trên thế giới đã tử vong vì đại dịch COVID-19]
Malaysia có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech sản xuất cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong văn bản trả lời chất vấn được đăng tải trên trang mạng của Quốc hội, Bộ Y tế Malaysia cho biết Chính phủ Malaysia đang trong quá trình mua vaccine của Pfizer/BioNTechcho trẻ em từ 5-11 tuổi do vaccine sử dụng cho nhóm đối tượng này có liều lượng khác với vaccine sử dụng cho người trưởng thành, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý dược phẩm nước này.
Malaysia cần 11,8 triệu liều để tiêm phòng cho 5,9 triệu trẻ em nước này.
Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á cũng đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho trẻ vị thành niên (từ 12-17 tuổi). Tính đến ngày 11/11, tổng cộng 2.472.098 trẻ, tương đương 78,5% số trẻ vị thành niên tại Malaysia đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Theo số liệu của MOH, 95,1% số người trưởng thành và 75,7% dân số Malaysia đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Ngày 12/11, với 6.517 ca nhiễm mới, Malaysia ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp con số này ở mức trên 6.000 ca. Trước đó, số ca nhiễm COVID-19 theo ngày được phát hiện tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 4.543 ca vào ngày 8/11, 5.403 ca vào ngày 9/11, 5.243 ca vào ngày 10/11 và 6.323 ca vào ngày 11/11.
Hiện tại, Malaysia có tổng cộng 2.535.338 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 29.535 ca tử vong./.