Hàn Quốc đề ra các nhiệm vụ chính sách ngoại giao và an ninh năm 2023

Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi Tổng thống Yoon Suk-yeol báo cáo tóm tắt các nhiệm vụ chính sách trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh năm 2023.
Hàn Quốc đề ra các nhiệm vụ chính sách ngoại giao và an ninh năm 2023 ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 11/1, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi Tổng thống Yoon Suk-yeol báo cáo tóm tắt các nhiệm vụ chính sách trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh năm 2023.

Báo cáo của Bộ ngoại giao nêu rõ Hàn Quốc dự kiến tập trung nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao trong năm nay bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia khác "có chung giá trị" để vượt qua các cuộc khủng hoảng phức tạp toàn cầu hiện nay.

Đây là một phần trong nỗ lực đạt được tầm nhìn của Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol hướng tới đưa Hàn Quốc trở thành "quốc gia chủ chốt toàn cầu" trong bối cảnh có những thách thức kéo dài, trong đó có xung đột Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19. 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ liên minh chiến lược toàn diện Hàn Quốc-Mỹ theo chủ trương đã được Tổng thống Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ nhất trí trong cuộc hội đàm hồi tháng 5/2022, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh 3 bên bao gồm Nhật Bản.

Seoul sẽ tiếp tục cố gắng hàn gắn quan hệ với Tokyo trong năm nay bằng cách tìm kiếm "các giải pháp hợp lý" cho các vấn đề bất đồng liên quan thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Hàn Quốc hy vọng khôi phục "ngoại giao con thoi" với Nhật Bản thông qua quá trình này.

[Hàn Quốc theo đuổi tiếp cận 'có nguyên tắc' trong vấn đề Triều Tiên]

Đối với Trung Quốc, Hàn Quốc hướng tới mối quan hệ "lành mạnh và cẩn trọng" trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại.

Đối với Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với "lập trường linh hoạt và cởi mở" đồng thời tăng cường hợp tác với các nước liên quan để thúc đẩy các cuộc đàm phán "có nguyên tắc và bền bỉ."

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng dự kiến thúc đẩy thực thi tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng. Trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng, bộ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nhà máy điện hạt nhân và quốc phòng của Hàn Quốc thâm nhập thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, trong báo cáo gửi Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết bộ này sẽ tăng cường năng lực ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, theo đó củng cố hệ thống tình báo, giám sát và do thám, cải thiện năng lực ứng phó với các máy bay không người lái; thúc đẩy tập trận chung với Mỹ và thành lập Bộ tư lệnh Chiến lược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.