Hàn Quốc đưa vào sử dụng tên lửa hiện đại đối phó Triều Tiên

Không quân Hàn Quốc đã bắt đầu đưa vào sử dụng tên lửa không đối đất Taurus để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng từ phía Triều Tiên.
Hàn Quốc đưa vào sử dụng tên lửa hiện đại đối phó Triều Tiên ảnh 1Tên lửa Taurus. (Nguồn: Yonhap)

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời nhiều quan chức cho biết Không quân Hàn Quốc ngày 22/12 đã bắt đầu đưa vào sử dụng tên lửa không đối đất Taurus để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng từ phía Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các nguồn tin trên cho hay loại tên lửa có tầm bắn 500km này được lắp trên máy bay chiến đấu F-15, có thể bắn từ không phận thuộc thành phố Daejeon, cách thủ đô Seoul 164km về phía Nam, tới các cơ sở ở Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Không quân Hàn Quốc đã nhận lô hàng tên lửa Taurus đầu tiên từ Đức hồi tháng 11 vừa qua và dự định tới năm 2018 sẽ nhận tổng cộng 170 quả tên lửa thuộc loại này.

Tên lửa Taurus có thể bay ở tầm thấp và sở hữu công nghệ tàng hình mà radar của Triều Tiên không thể phát hiện được. Bên cạnh đó, các tên lửa cũng được trang bị hệ thống định vị toàn cầu cho phép đánh trúng mục tiêu bất chấp hoạt động gây nhiễu của đối phương.

Việc triển khai tên lửa Taurus là một phần trong các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường hệ thống vũ khí đánh phủ đầu có tên gọi Kill Chain, có nhiệm vụ phát hiện và tấn công các mục tiêu tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Riêng trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và tiến hành hơn 20 vụ phóng thử tên lửa, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trước đó, trong tháng 12, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã thừa nhận những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng có thể gắn một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vào một tên lửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.