Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 10/6, với 50 ca nhiễm mới được phát hiện (43 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã được nâng lên thành 11.902 người.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 22 người nâng tổng số lên 10.611 người, chiếm 89,1%.
Đến nay Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho trên 1 triệu người và số người tử vong do COVID-19 là 276 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận (thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi).
Chuỗi nhiễm trùng cụm ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận xuất hiện khi Hàn Quốc hoàn tất việc mở lại các trường học vào ngày 8/6 vừa qua.
Sau gần 6 tuần thực hiện "giãn cách xã hội" nghiêm ngặt, Hàn Quốc đã chuyển sang chương trình "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" vào ngày 6/5 để cho phép công dân thực hiện các hoạt động kinh tế và xã hội theo các quy tắc kiểm dịch mới.
[Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trở lại]
Theo KCDC, số ca nhiễm mới thời gian gần đây chủ yếu liên quan tới hoạt động tôn giáo, các trung tâm thể thao, giải trí... ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận
KCDC nhận định các ca lây nhiễm có xu hướng phát sinh tại những nơi khó thực hiện quy tắc phòng dịch như gosiwon (phòng trọ diện tích hẹp chỉ đủ không gian để ngủ, các tiện ích khác phải dùng chung với người cùng thuê), công trường quy mô nhỏ hay chợ phiên sớm.
Cũng theo KCDC, diễn biến tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận những ngày gần đây được đánh giá là có phần giống với tình hình hồi tháng 3 vừa qua, thời điểm liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm tập thể ở Hàn Quốc.
Việc đại đa số các trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở Seoul và khu vực lân cận gần đây chủ yếu là các vụ lây nhiễm tập thể lẻ tẻ ở nhiều địa điểm đa dạng khiến cơ quan chức năng Hàn Quốc tính đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh nếu không xác định được nguồn lây nhiễm.
Hiện KCDC đưa ra khuyến cáo kêu gọi người dân và doanh nghiệp ở Seoul và khu vực phụ cận hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, hủy các buổi tụ tập quy mô nhỏ vốn khó kiểm soát các biện pháp phòng dịch bởi nguy cơ tái bùng phát là rất cao.
Dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh không có chiều hướng giảm, các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn ở khu vực thủ đô sẽ được chính thức có hiệu lực từ ngày 14/6 tới và có thể trở lại hình thức "giãn cách xã hội" nghiêm ngặt nếu số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày./.