Hàn Quốc hoàn tất đánh giá tác động môi trường về hệ thống THAAD

Sau khi hoàn tất đánh giá tác động môi trường về THAAD, Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ để tiếp tục dự án triển khai THAAD theo đúng phản ánh của bản đánh giá.
Hàn Quốc hoàn tất đánh giá tác động môi trường về hệ thống THAAD ảnh 1Hệ thống THAAD của Mỹ được triển khai tại căn cứ Seongju. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap và Reuters, Bộ Quốc phòng và Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 21/6 thông báo nước này đã hoàn tất đánh giá tác động môi trường về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở thành phố miền Nam Seongju, dọn đường cho việc triển khai toàn diện hệ thống này.

Hàn Quốc đã thúc đẩy "tiêu chuẩn hóa" THAAD, được lắp đặt ở Seongju, cách Seoul 214km về phía Đông Nam, vào năm 2017, tuy nhiên đang duy trì ở trạng thái lắp đặt "tạm thời" chờ đánh giá.

Các nỗ lực này thu hút sự chú ý trong bối cảnh Triều Tiên đã tăng cường chương trình hạt nhân-tên lửa trong các vụ thử vũ khí lớn hồi đầu năm, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn.

Một quan chức Bộ Môi trường xác nhận: "Nay đánh giá môi trường đã hoàn tất thông qua hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Môi trường. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ để tiếp tục dự án triển khai THAAD theo đúng phản ánh của bản đánh giá."

[Mỹ xúc tiến chương trình nâng cấp hệ thống THAAD tại Hàn Quốc]

Hồi tháng 3, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã tiến hành khóa huấn luyện đầu tiên về triển khai bệ phóng "từ xa" của THAAD tại Hàn Quốc.

Việc huấn luyện lực lượng THAAD đã nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, thế trận phòng thủ kết hợp trong liên minh, thể hiện cam kết sắt đá để hỗ trợ và bảo vệ Hàn Quốc và tăng cường hơn nữa an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong vài năm qua, USFK đã triển khai chương trình nâng cấp gồm 3 giai đoạn nhằm tích hợp hệ thống THAAD với tổ hợp tên lửa phòng không phiên bản nâng cấp (PAC-3 MSE), nhằm nâng cao năng lực của lực lượng phòng không một cách toàn diện.

Hệ thống THAAD được thiết kế để bắn hạ tên lửa ở độ cao 40-150 km trong khi hệ thống PAC-3 MSE dùng để đánh chặn tên lửa ở độ cao 40 km và thấp hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.