Hàn Quốc-Mỹ không đạt được thỏa thuận về chia sẻ kinh phí cho USFK

Hàn Quốc và Mỹ vẫn bất đồng về tổng kinh phí mà Seoul phải đóng góp cho việc duy trì các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) cũng như thời hạn hợp đồng và một số vấn đề gây tranh cãi khác.
Hàn Quốc-Mỹ không đạt được thỏa thuận về chia sẻ kinh phí cho USFK ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Chang Won-sam (thứ 3, phải) và Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Timothy Betts trong cuộc gặp tại Washington DC., ngày 19/9/2018. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo Yonhap, một quan chức giấu tên trong Chính phủ Hàn Quốc ngày 14/12 cho biết, trong cuộc thương lượng chính thức gần đây nhất, nước này và Mỹ đã không đạt được thỏa thuận về mức kinh phí mà Seoul sẽ gánh chịu cho việc duy trì các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).

Theo quan chức này, hai bên vẫn bất đồng về tổng kinh phí mà Seoul phải đóng góp cho USFK, thời hạn hợp đồng và một số vấn đề gây tranh cãi khác.

Quan chức này còn nêu rõ: "Hai bên sẽ tiếp tục tham vấn thông qua các kênh ngoại giao," song bác bỏ khả năng tổ chức một vòng đàm phán chính thức khác trong tháng này.

[Hàn-Mỹ sẽ hội đàm về tình trạng pháp lý của các lực lượng đồn trú]

Theo ông, "nếu cần chúng tôi có thể tổ chức cuộc thương lượng (chính thức) vào tháng sau."

Trong cuộc đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Seoul tăng mạnh khoản kinh phí hàng năm mà Hàn Quốc chia sẻ với Washington hiện ở mức 960,2 tỷ won (tương đương 851,4 triệu USD).

Hàn Quốc và Mỹ ký kết SMA lần đầu tiên vào năm 1991, tới nay đã 9 lần ký lại hiệp định đặc biệt này.

SMA lần thứ 9 được ký năm 2014 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2018/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.