Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phản ứng với vụ phóng ICBM của Triều Tiên

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phản ứng với vụ phóng của Triều Tiên

Trong tuyên bố, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ vụ phóng mới nhất đã vi phạm cam kết của Triều Tiên về ngừng các vụ phóng ICBM, cũng như vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phản ứng với vụ phóng của Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 24/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết vật thể mà Triều Tiên phóng trước đó cùng ngày là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 

Trong tuyên bố, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ vụ phóng mới nhất đã vi phạm cam kết của Triều Tiên về ngừng các vụ phóng ICBM, cũng như vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, vụ phóng đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bán đảo Triều Tiên, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đã ra tuyên bố chỉ trích vụ phóng này. Quân đội Hàn Quốc cũng đã tiến hành phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo và các tên lửa chiến thuật ngay sau vụ việc mà Hàn Quốc cho là vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Theo quân đội Hàn Quốc, các tên lửa được bắn từ mặt đất, trên biển và trên không.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng mới nhất của Triều Tiên và gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được” của Bình Nhưỡng.

Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra vào ngày Thủ tướng Kishida rời Nhật Bản để tới Brussels (Bỉ) tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). 

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida đã khẳng định sự phối hợp của các nước thành viên G7 để đối phó với các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên, vốn đang vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki  nêu rõ vụ phóng của Triều Tiên vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực.

[Vụ Triều Tiên phóng vật thể lạ: Hàn Quốc không từ bỏ hy vọng đối thoại]

Trước đó, chiều 24/3, Triều Tiên đã phóng đi một vật thể bay về phía vùng biển phía Đông của Bán đảo Triều Tiên. Vụ phóng này diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Triều Tiên thực hiện 4 loạt bắn được cho là từ hệ thống rocket đa nòng về hướng Biển Hoàng Hải từ một địa điểm không xác định tại Sukchon, thuộc tỉnh Nam Pyongan phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định vật thể bay mới nhất mà Triều Tiên phóng đi có thể là một tên lửa ICBM. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vật thể bay này đã bay xa hơn 1.100 km trong thời gian khoảng 71 phút với độ cao tối đa hơn 6.000 km.

Đây có thể là tên lửa có tầm bắn cao nhất và xa nhất mà Triều Tiên đã từng phóng đi. Tên lửa này đã rơi xuống biển vào khoảng 15h44 (giờ địa phương) ở vị trí cách bán đảo Oshima thuộc tỉnh Hokkaido của Nhật Bản 150 km về phía Tây. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết cho tới thời điểm này, vẫn chưa có báo cáo về thiệt hại do vụ phóng này gây ra.

Cùng ngày, Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. 

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tập trung vào tình hình hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như phối hợp nhằm thúc đẩy việc giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.