Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 10/3 cho biết đã nhất trí tăng phần đóng góp của mình trong chi phí duy trì lực lượng binh sỹ Mỹ đồn trú tại nước này.
Phần đóng góp của Seoul trong năm nay tăng gần 14% so với năm 2019. Đây là nội dung trong thỏa thuận kéo dài sáu năm với Mỹ, mở đường cho hai nước củng cố liên minh.
Theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ 11 có hiệu lực đến năm 2025, Seoul sẽ "gánh vác" 1.183 nghìn tỷ won (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2021, tăng so với mức 1.038 nghìn tỷ won trong năm 2019 để duy trì lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) gồm 28.500 binh sỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, phần chi trả của Hàn Quốc tăng ở mức hai con số.
Sau một năm rưỡi đàm phán, Seoul và Washington đã đạt thỏa thuận SMA 11 ngày 7/3.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Thỏa thuận này là cơ hội để hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh bền vững Mỹ-Hàn là nhân tố quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và tại Đông Bắc Á, cũng như sự cần thiết của việc duy trì lực lượng USFK."
Thông cáo nêu rõ: "Với việc giải quyết vấn đề quan trọng trên ngay những ngày đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Hàn Quốc và Mỹ đã chứng minh liên minh bền vững giữa hai bên."
Theo quy định, thỏa thuận trên sẽ cần được quốc hội hai nước phê chuẩn.
[Mỹ-Hàn Quốc đồng thuận về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới]
Theo thỏa thuận SMA 11, hai nước nhất trí giữ mức chi trả của Seoul năm 2020 bằng với năm 2019. Sang năm nay, Seoul sẽ trả 1.183 nghìn tỷ won, tăng gần 14% so với năm 2019. Phần thêm này phản ánh mức tăng 7,4% trong chi tiêu quốc phòng năm 2020 của Hàn Quốc và mức tăng 6,5% trong chi phí trả cho quân nhân Hàn Quốc trong USFK.
Hai bên cũng nhất trí gắn việc thanh toán SMA của Hàn Quốc từ năm 2022-2025 với tỷ lệ tăng chi tiêu quốc phòng của nước này. Như vậy, mức chi trả của năm 2022 sẽ tăng 5,4% so với năm 2021.
Để các quân nhân Hàn Quốc trong USFK không phải nghỉ không lương do thiếu cơ chế chi trả, Seoul và Washington đã lần đầu tiên luật hóa một quy định SMA, qua đó cho phép Hàn Quốc chi trả phần của mình cho quân nhân theo một mức đã được ấn định trong năm trước đó.
Năm ngoái, hàng nghìn quân nhân Hàn Quốc đã phải tạm thời nghỉ không lương vì bế tắc trong các cuộc đàm phán SMA mới khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump muốn tăng phần đóng góp của phía Hàn Quốc.
Lễ ký kết chính thức SMA mới sẽ diễn ra trong chuyến thăm Seoul của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến vào tuần tới./.