Ngày 5/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nước này đang theo đuổi các biện pháp trừng phạt “mạnh tay” đối với Triều Tiên, bao gồm một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân vừa qua của Bình Nhưỡng.
Trong một báo cáo trước Quốc hội, bộ trên nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ phối hợp với những nước lớn khác nhằm thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới với những biện pháp mạnh hơn các nghị quyết hiện hành.
Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách tăng cường phối hợp với Mỹ trong chiến dịch "gây sức ép hòa bình," đồng thời khuyến khích Nga và Trung Quốc đóng vai trò “mang tính xây dựng” hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cụ thể, bộ trên nêu rõ Hàn Quốc cần tận dụng chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Vladivostok và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này để thúc đẩy vai trò tích cực của Nga trong vấn đề trên.
[Lý giải nguyên nhân Triều Tiên có thể thử tên lửa vào ngày 9/9]
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau hội nghị BRICS diễn ra tại Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin cảnh báo nguy cơ “thảm họa toàn cầu” nếu không đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên.
Tổng thống Putin nêu rõ Nga lên án những hành động "khiêu khích" của Triều Tiên, song nhấn mạnh nếu chỉ sử dụng biện pháp trừng phạt trong tình hình hiện nay thì không có tác dụng và không hiệu quả, có thể dẫn tới một thảm họa toàn cầu và sẽ có nhiều nạn nhân.
Tổng thống Nga kêu gọi các bên đối thoại và không có những hành động có thể làm leo thang khủng hoảng.
Nhận định về vụ thử mới đây mà Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết khả năng hủy diệt của quả bom có thể "mạnh hơn nhiều" so với đánh giá trước đó của Chính phủ Nhật Bản.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng hôm 3/9, số liệu từ Ủy ban trù bị Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện ước tính vụ nổ gây địa chấn mạnh 5,8 độ Richter, tương đương với quả bom 70 kiloton.
Tuy nhiên, theo ông Onodera, cường độ địa chấn từ vụ thử hạt nhân có thể lên tới 6 độ Richter.
Sau khi cường độ này được xác định, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tiến hành phân tích lại vụ nổ bom mà Triều Tiên tuyên bố là bom H./.