Ngày 2/12, một ủy ban về quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết lên án vụ thử tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên và việc Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Ủy ban nói trên cũng kêu gọi chính phủ tăng cường năng lực quân sự của Hàn Quốc và áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, trong nghị quyết này, Quốc hội Hàn Quốc đã lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Những chấm dứt mọi hành động gây căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Nghị quyết nhấn mạnh việc Triều Tiên phóng tên lửa và vi phạm thỏa thuận đình chiến kéo theo những nguy cơ đe dọa hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và thế giới.
[Triều Tiên công bố hình ảnh tên lửa Hwasong-15 vừa phóng]
Trước đó cùng ngày, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã tổ chức cuộc tuần hành và bắn pháo hoa để chào mừng sự kiện "hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân" sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vừa qua.
Nhiều quân nhân và đông đảo người dân đã tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 1/12 để tham dự lễ đánh dấu sự kiện Triều Tiên hoàn thiện “sức mạnh hạt nhân quốc gia” với vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15. Trong các bài diễn văn tại buổi lễ, giới chức Triều Tiên đều khẳng định vụ thử tên lửa đã đưa vị thế chiến lược của Triều Tiên lên mức cao nhất.
Trang mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết Bình Nhưỡng đang đạt được những tiến bộ trong chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) với một số dấu hiệu cho thấy một bệ phóng thử thứ hai đang được chuẩn bị để triển khai.
Sáng 29/11, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ." Tuyên bố cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950 km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM./.