Hàn Quốc thực thi lệnh trừng phạt "có chọn lựa" đối với Triều Tiên

Hàn Quốc đã không khai báo với một Ủy ban của Liên hợp quốc phụ trách việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên khi chuyển khoảng 300 tấn sản phẩm dầu cho Bình Nhưỡng hồi năm 2018.
Hàn Quốc thực thi lệnh trừng phạt "có chọn lựa" đối với Triều Tiên ảnh 1(Nguồn: Public Radio International)

Theo Reuters, theo trang mạng NK News ngày 23/1, Hàn Quốc đã không khai báo với một Ủy ban của Liên hợp quốc phụ trách việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên khi chuyển khoảng 300 tấn sản phẩm dầu cho Bình Nhưỡng hồi năm 2018.

Đây có thể coi là hành động không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên.

Vào thời điểm quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang được cải thiện, Hàn Quốc đã đề nghị giảm bớt một phần các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Tờ NK News nhấn mạnh: "Seoul đã chọn thực hiện các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trên một số lĩnh vực nhất định và đôi khi mâu thuẫn."

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul đã chuyển cho Triều Tiên 342,9 tấn sản phẩm dầu trong năm 2018. Tuy nhiên, trang mạng NK News cho rằng Hàn Quốc đã không báo cáo lên Liên hợp quốc về các chuyến hàng này.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 23/1 cho biết họ "luôn tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên", trong khi vẫn tích cực triển khai thực hiện các dự án hợp tác và trao đổi với miền Bắc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Chúng tôi chỉ sử dụng các sản phẩm dầu phục vụ việc triển khai các dự án hợp tác liên Triều và quan điểm của chúng tôi là điều đó không ảnh hưởng tới mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên."

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết các báo cáo định kỳ hàng tháng về các chuyến tàu chở dầu tới Triều Tiên cho thấy chỉ có Trung Quốc và Nga tuân thủ các yêu cầu phải báo cáo trong năm 2018.

Theo Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an năm 2017, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bắt buộc định kỳ hàng tháng phải báo cáo lên Ủy ban của Liên hợp quốc phụ trách việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên về số lượng các sản phẩm dầu đã tinh chế được sử dụng để viện trợ, bán hoặc chuyển giao cho Triều Tiên.

[Thỏa thuận quân sự liên Triều không ảnh hưởng việc phòng vệ của Hàn]

Nghị quyết 2397 cho phép các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được viện trợ, bán hoặc chuyển giao cho Triều Tiên dưới 500.000 thùng các sản phẩm dầu tinh chế mỗi năm (khoảng 73.000 tấn sản phẩm dầu).

Đại đa số các sản phẩm dầu được chuyển cho Triều Tiên trong năm 2018 được sử dụng cho các đợt đoàn tụ những gia đình bị ly tán trong tháng 8/2018 và các dự án hợp tác chung liên Triều, trong đó có hoạt động khảo sát dự án đường sắt chung và tu sửa văn phòng đại diện của hai nước ở khu công nghiệp chung Kaesong.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đã có khoảng 32,3 tấn sản phẩm dầu được phía Triều Tiên gửi trả lại Seoul.

Tháng 11/2018, Hàn Quốc đã nhận được thông báo hưởng quyền miễn trừ từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với hoạt động khảo sát dự án đường sắt chung liên Triều - được coi là bước đi đầu tiên hướng tới việc kết nối hệ thống đường sắt và đường bộ giữa hai miền Triều Tiên - vốn bị gián đoạt trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Trong một tin liên quan, tên trang web riêng ngày 23/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo đã cho phép miễn trừ trừng phạt đối với 4 tổ chức nhân đạo thực hiện các hoạt động cứu trợ tại Triều Tiên.

Một Ủy ban Liên hợp quốc phụ trách trừng phạt Triều Tiên ngày 18/1 đã chấp thuận đề nghị miễn trừ trừng phạt của các tổ chức gồm Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Eugene Bell, tổ chức Những người bạn Cơ đốc của Triều Tiên (Christian Friends of Korea) và tổ chức phi chính phủ First Steps Health Society của Canada.

Quyết định này đồng nghĩa với việc hoạt động vận chuyển hàng hóa đến Triều Tiên trong khuôn khổ các chương trình nhân đạo của các tổ chức nêu trên là hợp pháp. Tuy nhiên, những quyết định này sẽ vẫn chỉ có giá trị trong 6 tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.