Tại hội thảo "Thị trường vốn và triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc," tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/3, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết trong lĩnh vực tài chính-chứng khoán, Hàn Quốc thuộc nhóm ba nước có số lượng nhà đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Bằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu thế phục hồi từ năm 2012 và tiếp tục khẳng định sự tăng trưởng từ đó cho đến nay. Riêng năm 2015, chỉ số tăng trưởng đạt hơn 65%, thuộc mức cao trong khu vực; thanh khoản đạt 226 triệu USD/phiên; tỷ lệ giá trị giao dịch so mức vốn hóa đạt 45%... là những con số ấn tượng. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, tính chung nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng khoảng 250 triệu USD tại Việt Nam và giá trị danh mục đạt 15 tỷ USD.
Nhận định Việt Nam là một trong nền kinh tế năng động và đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong khu vực cũng như trên thế giới, ông Hwang Young Key, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do, đã tạo động lực cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng mở rộng thị trường.
Ông Hwang Young Key nhấn mạnh, Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc là đơn vị bao gồm các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, khai thác bất động sản... hàng đầu trong ngành tài chính-chứng khoán Hàn Quốc. Theo đó, sự tham gia của các doanh nghiệp và Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc tại hội thảo lần này cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường tài chính-chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn nâng cao hiểu biết về sự phát triển kinh tế Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến thị trường vốn, đầu tư...
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức đối với thị trường tài chính-chứng khoán Việt Nam, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là quy mô thị trường tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 34,5% GDP; trong khi các thị trường chứng khoán khác như Thái Lan, Singapore... chiếm hơn 100% GDP.
Song song đó, quy mô doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoản cũng chưa lớn, nên tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp, tính thanh khoản thị trường không cao. Tuy nhiên, cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam tạo nên sự hấp dẫn các nhà đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam sau thời gian niêm yết đã nỗ lực gia tăng quy mô và giá trị; đồng thời, đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, tạo ra sự gia tăng về vốn và lợi nhuận.
Theo bà Trần Anh Đào, tham gia vào thị trường tài chính-chứng khoán Việt Nam ở thời điểm này, các nhà đầu tư sẽ có điều kiện tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp tại Việt Nam và nắm bắt được cơ hội đầu tư, kinh doanh tốt. Ngoài ra, Việt Nam đang phấn đấu thực hiện chiến lược từ nay đến năm 2020 sẽ đạt tỷ trọng vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm 70% GDP, đây là thách thức cho cơ quan quản lý Việt Nam, nhưng lại mang đến nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các chuyên gia khẳng định, triển vọng chính sách vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tại Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thông lệ quốc tế và hội nhập. Do đó, lĩnh vực tài chính-chứng khoán tại Việt Nam đang trở thành một trong những lĩnh vực thu hút dòng vốn cũng như các nhà đầu tư nước ngoài./.