Hàn Quốc: Tranh cãi về ý định ban hành lệnh đồn trú khi xét xử bà Park

Bộ Tư lệnh An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc từng xem xét về việc ban lệnh đồn trú và tuyên bố tình trạng giới nghiêm khi diễn ra phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Hàn Quốc: Tranh cãi về ý định ban hành lệnh đồn trú khi xét xử bà Park ảnh 1Cảnh sát gác bên ngoài Tòa án Hiến pháp ở Seoul, nơi diễn ra phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 27/2/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn tin của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 6/7 cho biết một văn bản vừa được công khai cho thấy Bộ Tư lệnh An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc (DSC) từng xem xét về việc ban lệnh đồn trú (Garrison Decree) và tuyên bố tình trạng giới nghiêm khi diễn ra phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.

Lệnh đồn trú là Sắc lệnh Tổng thống ban hành vào năm 1950 về cho phép lực lượng lục quân được đóng quân và lưu lại tại một khu vực nhất định để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ khu vực đó, giám sát kỷ luật quân đội, bảo vệ các công trình, cơ sở quan trọng thuộc quân đội.

Vào ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự thảo luận tội với cựu Tổng thống Park Geun-hye và trình lên Tòa án Hiến pháp để ra phán quyết cuối cùng.

[Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị yêu cầu mức án 12 năm tù]

Tới ngày 10/3/2017, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết luận tội bà Park. Ngay lập tức, bà Park Geun-hye đã bị bãi nhiệm.

Tài liệu trên được DSC soạn thảo vào tháng 3/2017 có nội dung đoàn biểu tình quy mô lớn phản đối phán quyết luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye của Tòa án Hiến pháp có ý định tập trung tại Seoul để chiếm cứ Phủ Tổng thống và trụ sở Tòa án Hiến pháp.

Bộ Tư lệnh này nhận định những người biểu tình có thể sử dụng chai tẩm xăng dầu, tước vũ khí của cảnh sát, gây rối loạn trị an nghiêm trọng. Do vậy, quân đội cần phải đối phó với tình huống này, như ban lệnh đồn trú và tuyên bố tình trạng giới nghiêm.

Nghị sỹ Lee Chul-hee của đảng Dân chủ Đồng hành, người công khai văn bản này, nhấn mạnh cần phải làm rõ sự thật về quá trình soạn thảo văn bản trên và ý đồ điều động quân đội khi đó của DSC, đồng thời cho rằng cần phải giải thể Bộ Tư lệnh An ninh và Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành điều tra đối với cựu Bộ trưởng Han Min-koo về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.