Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ hai Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ 9 tại thành phố Honolulu, Hawaii (Mỹ) nhưng vẫn chưa đạt được nhất trí.
Trong ngày đàm phán thứ hai 25/10, Trưởng đoàn Hàn Quốc Jeong Eun-bo và người đồng cấp Mỹ James DeHart tiếp tục thảo luận về phạm vi và mức tăng khoản gánh vác của Hàn Quốc về các chi phí cho lực lượng quân đồn trú Mỹ.
Trong năm nay, khoản tiền đóng góp của Hàn Quốc là 1.038,9 tỷ won (884 triệu USD).
Seoul chủ trương đề xuất mức tăng hợp lý, không chênh quá nhiều so với năm nay.
Ngược lại, Mỹ đang yêu cầu phần đóng góp của Hàn Quốc là 5 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với mức đóng góp hiện tại của Seoul.
Washington cho rằng, ngoài các chi phí về nhân công, chi phí xây dựng quân sự, chi phí hậu cần cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, phải lập thêm hạng mục mới là “chi phí hỗ trợ tác chiến," trong đó Seoul phải gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.
[Mỹ-Hàn Quốc tiến hành vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quốc phòng]
Trước khi diễn ra cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra thông báo nhấn mạnh nước này sẽ chấp nhận khoản chia sẻ kinh phí "công bằng và bình đẳng" trong bối cảnh Washington kêu gọi Seoul tăng hơn mức đóng góp cho SMA, khoản chi phí nhằm duy trì 28.500 binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Thông cáo nhấn mạnh, qua các cuộc tham vấn này, các đồng minh cần đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được giữa hai nước theo hướng giúp củng cố quan hệ liên minh và vị thế quốc phòng của hai bên.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay hai bên có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán về SMA tiếp theo tại Seoul vào tháng 11 tới, song chưa nhất trí về thời điểm cụ thể.
Trong buổi họp báo diễn ra ngày 25/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa tái khẳng định lập trường cơ bản là chỉ chia sẻ chi phí quân sự ở mức độ hợp lý, trong khuôn khổ hiện hành, để ngỏ khả năng Seoul sẽ không chấp thuận yêu cầu quá cao từ phía Washington.
Hiệp định SMA lần thứ 10 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Do vậy, cả hai nước đều nhất trí phải hoàn tất đàm phán trong năm 2019. Tuy nhiên, do lập trường của hai bên rất khác biệt, nên tiến trình đàm phán thời gian tới dự kiến không hề dễ dàng.
Hồi tháng trước, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc đối thoại về SMA để xác định Seoul sẽ trả bao nhiêu cho chi phí đồn trú khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo SMA năm nay, ký tháng Hai vừa qua và sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới, Seoul đã nhất trí trả 1.040 tỷ won (879 triệu USD), tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm trước.
Từ năm 1991, Seoul đã cùng chia sẻ một phần các chi phí theo SMA, cho việc tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của liên minh, cũng như các dự án cải thiện phòng thủ hỗn hợp và nhiều hình thức hỗ trợ khác./.