Hàn Quốc xem xét lại thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy, gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.
Hàn Quốc xem xét lại thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản ảnh 1Ông Kim Hyun-chong, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 2/8 tuyên bố sẽ xem xét có duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản hay không. Thỏa thuận này là một phần chủ chốt trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy, gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. 

Phát biểu với báo giới, ông Kim Hyun-chong, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết việc xem xét lại thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự có thể là một phần trong "các biện pháp đáp trả toàn diện" đối với việc Tokyo loại Seoul ra khỏi "Danh sách Trắng."

Ông Kim Hyun-chong nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân nhắc liệu có thích hợp hay không khi duy trì chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhạy cảm với một nước thiếu sự tin cậy."

[Nhật Bản chính thức đưa Hàn Quốc ra khỏi Danh sách Trắng]

Tháng 11/2016, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự (GSOMIA). Thỏa thuận này tự động được gia hạn vào tháng 8 hằng năm, theo đó sẽ hết hạn vào tháng 11 tới.

Theo quy định, để chấm dứt thỏa thuận này, mỗi bên sẽ phải thông báo ý định của mình 90 ngày trước khi hết hạn.

Trước đó cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết Hàn Quốc cũng sẽ loại Nhật Bản ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy, đáp trả động thái tương tự của Tokyo.

Phát biểu với báo giới, ông Hong Nam-ki cho rằng quyết định của Chính phủ Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại "về cơ bản sẽ hủy hoại các mối quan hệ dựa trên sự tin cậy và hợp tác mà hai nước đã thiết lập" trong quá khứ.

Ông nêu rõ Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ và rất lấy làm tiếc về quyết định của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Tokyo ngay lập tức rút lại các biện pháp thương mại này.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, Seoul sẽ siết chặt các quy định xuất khẩu đối với Nhật Bản, cũng như đẩy nhanh tiến trình đề nghị hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tìm nguồn nhập khẩu thay thế, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu các thiết bị thay thế và giảm gánh nặng thuế quan.

Trước đó, ngày 2/8, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê chuẩn các kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng."

Quyết định sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần tới, sau khi các quy trình liên quan được tiến hành, bao gồm đăng công báo. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản loại một quốc gia ra khỏi "Danh sách Trắng."

Theo quyết định trên, trong thời gian tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện "Danh sách Trắng" của Nhật Bản có 27 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp. Đối với những quốc gia nằm trong danh sách này, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phê duyệt, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "Danh sách Trắng" từ năm 2004./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.