Hàn-Triều: Olympic PyeongChang tạo "cơ hội ý nghĩa" cho hòa bình

Các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí rằng Olympic PyeongChang 2018 đã tạo một "cơ hội ý nghĩa" cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ Nam-Bắc.
Hàn-Triều: Olympic PyeongChang tạo "cơ hội ý nghĩa" cho hòa bình ảnh 1Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (phía trước) tới dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí rằng Olympic PyeongChang 2018 đã tạo một "cơ hội ý nghĩa" để hiện thực hóa tư tưởng hòa bình và thống nhất của Olympic, cũng như cơ hội cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ Nam-Bắc.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp với nhau cả sau khi kết thúc Olympic nhằm thúc đẩy quan hệ Nam-Bắc, cũng như tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp kín ngày 26/2 tại một khách sạn ở thủ đô Seoul, giữa người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong với Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên và hiện phụ trách các vấn đề về quan hệ liên Triều Kim Yong-chol nhân dịp ông dẫn đầu phái đoàn cấp cao Triều Tiên thăm Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang 2018.

[Phái đoàn Triều Tiên gặp các quan chức cấp cao Hàn Quốc]

Cuộc gặp cũng có sự tham gia của trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên của Hàn Quốc Lee Do-hoon, và ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên.

Cuộc gặp trên diễn ra một ngày sau khi ông Kim Yong-chol tiếp kiến Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in và cho biết Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán với Mỹ.

Sau hai năm cắt đứt liên lạc, hai miền Triều Tiên đã cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên hồi tháng một vừa qua để thảo luận việc Triều Tiên tham gia Olympic. Các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên (gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên) đã bị đình trệ gần một thập kỷ. Kể từ đó đến nay, Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, khiến quan hệ giữa hai miền luôn căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.