Hàn-Trung đạt đồng thuận về việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng

Quan chức Quốc phòng hai nước đã nhất trí thiết lập thêm đường dây nóng quân sự, tăng cường lòng tin lẫn nhau, cũng như thúc đẩy hoạt động trao đổi và hợp tác.
Hàn-Trung đạt đồng thuận về việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. (Nguồn: Yonhap)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhất trí thúc đẩy nhiều biện pháp, trong đó có việc thiết lập thêm đường dây nóng quân sự, tăng cường lòng tin lẫn nhau, cũng như thúc đẩy hoạt động trao đổi và hợp tác.

Hai bên đã đạt được đồng thuận trong khuôn khổ cuộc gặp diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18 tại Singapore.

Trong cuộc đối thoại, bộ trưởng hai nước chia sẻ quan điểm cần phải tăng cường "liên lạc chiến lược" nhằm đạt mục tiêu hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời nhất trí vai trò xây dựng của Trung Quốc là cốt yếu trong việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và hòa bình lâu dài ở khu vực này.

Nhằm tăng cường quan hệ song phương, hai bên cam kết thúc đẩy nhiều biện pháp khác nhau như mở thêm đường dây liên lạc giữa hải quân và không quân hai nước.

Hiện tại, Seoul và Bắc Kinh mới duy trì một đường dây nóng giữa lực lượng vũ trang hai nước.

Ngoài ra, hai bộ trưởng nhất trí hợp tác hướng tới việc ký kết bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác cứu nạn thảm họa và viện trợ nhân đạo.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh: "Hai bộ trưởng khẳng định trao đổi và hợp tác quân sự song phương đang đi đúng hướng."

Thời gian gần đây, trao đổi quân sự song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những dấu hiệu cải thiện.

Trước đó, quan hệ hai bên leo thang cẳng thẳng do quyết định lắp đặt Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định hệ thống này nhằm phòng thủ tốt hơn trước các mối đe dọa tên lửa từ Bình Nhưỡng, song Trung Quốc cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của mình.

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, cùng ngày, trong cuộc hội đàm giữa Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Mỹ Stephen Biegun bên lề SLD 18, Washington tái khẳng định mong muốn tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng nhằm đạt được tiến triển trong việc thực thi các thỏa thuận sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm ngoái, hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ song phương mới và thúc đẩy nền hòa bình dài lâu trên bán đảo Triều Tiên.

Đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội vào tháng Hai vừa qua do hai bên bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Căng thẳng đã leo thang sau khi Triều Tiên ngày 4/5 phóng một số vật thể bay được cho là vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới, và 5 ngày sau đó tiếp tục phóng 2 vật thể bay được cho là các tên lửa tầm ngắn.

Một số chuyên gia cho rằng tên lửa của Triều Tiên tương tự như tên lửa đạn đạo Iskander của Nga, song phía Hàn Quốc cho biết đang cùng Mỹ xác định chính xác loại tên lửa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.