Hàng chục nghìn người biểu tình tại thủ đô Sanaa của Yemen

Ngày 22/8, hàng chục nghìn người Yemen ủng hộ lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite đã tập trung tại trung tâm Sanna để đòi chính phủ từ chức.
Biểu tình phản đối chính phủ tại Sanaa ngày 18/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 22/8, hàng chục nghìn người Yemen đã tập trung tại trung tâm thủ đô Sanna để đòi chính phủ từ chức. Đây là những người ủng hộ lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite.

Cuộc biểu tình diễn ra đúng vào ngày cuối cùng trong tối hậu thư mà thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Zaidi là Abdulmalik al-Huthi đưa ra trước đó, trong đó yêu cầu chính phủ phải khôi phục trợ cấp nhiên liệu và từ chức.

Các nguồn tin tại chỗ cho biết hàng nghìn người từ các khu vực ngoại ô của thủ đô Sanna đã đổ về khu vực tập trung trong bối cảnh các biện pháp an ninh vẫn đang được duy trì khắp thủ đô.

Sau khi tập hợp, một số nhóm còn dựng trại trên tuyến đường dẫn đến sân bay đi qua trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ Truyền thông và Bộ Điện lực ở phía Bắc thủ đô.

Trong khi đó, hàng nghìn phiến quân Shi'ite có vũ trang (hay còn gọi là Ansarullah hoặc Huthi) án ngữ tại nhiều vị trí quanh thủ đô để tăng cường sức ép buộc chính phủ từ chức.

Những động thái trên càng làm gia tăng quan ngại về một làn sóng bạo lực mới tại Yemen, đất nước đã chìm trong biểu tình và bất ổn kể từ ngày 18/8 vừa qua liên quan đến sự nổi dậy của lực lượng Zaisi cũng như tiến trình chuyển tiếp chính trị chật vật hiện nay.

Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi đã cử một phái đoàn tới tỉnh Saada, thành trì của lực lượng nổi dậy, ở miền Bắc để tiến hành đàm phán trong ngày 22/8. Tuy nhiên, hiện chưa biết kết quả của cuộc đàm phán này.

Phản ứng trước tình hình bất ổn tại Yemen, cố vấn đặc biệt về Yemen của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Jamal Benomar kêu gọi tất cả đảng phái tại nước này duy trì tinh thần hợp tác mang tính xây dựng để giải quyết các thách thức hiện nay và thúc đẩy lộ trình chính trị.

Hiện tại, phái đoàn của Liên hợp quốc đang hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Hadi và các thủ lĩnh chính trị khác ở Yemen để có thể đi tới giải pháp chính trị bền vững thông qua đối thoại.

Ngoài ra, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sẽ viện trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho Yemen để giúp nước này khôi phục hòa bình và ổn định.

Thời gian qua, nhóm vũ trang Zaidi không ngừng mở rộng các nỗ lực nhằm buộc chính phủ hiện nay phải từ chức và thành lập nhà nước liên bang riêng ở 6 tỉnh miền Bắc.

Trước đó, nhóm này cũng từng phát động cuộc nổi dậy kéo dài 6 năm, từ 2004-2010, để chống lại chính quyền của Tổng thống lúc bấy giờ Ali Abdullah Saleh./.

Tin cùng chuyên mục