Hàng ngàn người đổ về Hà Nội tưng bừng dự hội gò Đống Đa

Hàng ngàn người đổ về Hà Nội tưng bừng dự hội gò Đống Đa 2015

Hôm nay 23/2 (mùng 5 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về Hà Nội tưng bừng dự hội gò Đống Đa, kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.
Toàn cảnh Lễ hội truyền thống Gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Hôm nay 23/2 (mùng 5 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về Hà Nội tưng bừng dự hội gò Đống Đa, kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Bình Định, thành phố Hà Nội và đông đảo nhân dân đã tiến hành dâng hương, hoa tưởng nhớ công đức của Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần, võ tướng đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Cách đây vừa tròn 226 năm - mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thăng Long.

Đỉnh cao là trận chiến đêm mùng 4, rạng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Quân ta đã đánh bại hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.

Hàng năm cứ vào ngày mồng 5 Tết, nhân dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, đặc biệt có tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Nằm ngay giữa trung tâm của quận Đống Đa là một khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải là chùa, đình hay miếu mà chỉ là một cái gò nổi lên giữa khu dân cư đông đúc sinh sống.

Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Xưa nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa này là một khu chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Qua các màn diễn, hình ảnh vua Quang Trung oai phong lẫm liệt ra trận, chiến thắng giòn giã, đem cành đào về tặng cho công chúa Ngọc Hân đã được tái hiện, gợi cho người xem hội cảm xúc về một thời hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục