Hàng nghìn người tham dự khai hội Xuân núi Bà Đen

Ngày 3/2 (mùng 4 Tết Giáp Ngọ), hàng nghìn người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh miền Tây đổ về hội Xuân chùa Bà, Tây Ninh.

Ngày 3/2 (mùng 4 Tết Giáp Ngọ), hàng nghìn người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh miền Tây đổ về hội Xuân chùa Bà nằm trên lưng chừng núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh.

Nằm trên địa phận xã Ninh Sơn thuộc thị xã Tây Ninh cách trung tâm thị xã chừng 11km về phía Tây Bắc, khu di tích danh thắng núi Bà gắn với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất của vùng đất Nam Bộ.

Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ nhiều vị thần linh, tiên, thánh, Phật. Trong đó vị thần chính là Bà Đen được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội được nhiều người biết đến, đó là hội Xuân núi Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng Âm lịch, hội Vía Bà được tổ chức từ ngày 4-6/5 Âm lịch.

Từ Tết năm ngoái núi Bà Đen khai trương hệ thống cáp treo mới hiện đại và sức chứa tới 8 người/cabin (cáp treo cũ 2 người/cabin) và hai hệ thống cáp treo này chạy song song, nên người dân không còn phải chờ đợi lâu như trước để lên cáp treo.

Tuy nhiên lượng du khách đi bằng đường bộ lên lễ chùa vẫn còn rất đông với tâm lý du Xuân thì phải leo núi. Tại các điện trong nằm trong khuôn viên chùa Bà, người dân chen chân thắp nhang đông nghịt.

Hội Vía Bà khởi đầu bằng lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 4 Tết tại điện thờ. Đây là một nghi thức trang nghiêm, người bên ngoài không được tham dự và cửa điện được đóng kín, đèn nến cũng tắt gần hết. Sáu phụ nữ trung niên trong đó có ba ni cô của nhà chùa sẽ cử hành nghi thức tắm tượng. Khi nghi thức tắm và thay áo cho tượng Bà vừa kết thúc, các phụ nữ lại thắp nhang vái lạy Bà, lúc này nhang đèn trong điện cũng được thắp lên và các cửa điện mở ra cho khách hành hương vào lễ bái.

Trong suốt ngày này tại Điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng,” múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…). Ngày 5 Tết là ngày lễ vía chính thức của Bà cũng là ngày hội núi Bà. Nghi lễ quan trọng nhất là “Trình thập cúng” dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong ngày này các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.

Dù được tổ chức vào ngày Xuân hay ngày Hè, lễ hội núi Bà Đen vẫn có sức thu hút đặc biệt đối với nhiều người cả trong và ngoài tỉnh.

Những nghi thức trong lễ hội núi Bà vừa có tính chất trang nghiêm của lễ thức Phật giáo, vừa mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian, chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, thể hiện rõ nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam Bộ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục