Hàng trăm triệu người trên toàn thế giới đã bị phong tỏa khi số người tử vong do dịch bệnh COVID-19 tăng nhanh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thanh niên cũng không "miễn nhiễm" được dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê mới nhất, dịch bệnh COVID-19 đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh, khiến hầu hết các chính phủ phải gia tăng các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, công sở, hàng triệu người phải làm việc tại nhà, thậm chí nhiều người mất hẳn "kế sinh nhai."
Tính đến sáng 21/3, thế giới đã có hơn 11.000 ca tử vong do dịch COVID-19, trong đó riêng tại Italy, quốc gia hiện là "tâm dịch" mới của thế giới, với hơn 4.000 người chết.
Người già và những người có tiền sử bệnh nền là những đối tượng bị dịch COVID-19 tấn công nhiều nhất. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hiện nay thanh niên cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương.
Ông Tedros nói: "Hôm nay, tôi muốn truyền đi một thông điệp với người trẻ tuổi rằng: các bạn không phải 'bất khả chiến bại'.
Chủng virus nguy hiểm - SARS-CoV-2 có thể khiến bạn phải nhập viện trong vài tuần, thậm chí giết chết các bạn." Ngay cả khi bạn không bị bệnh, với bất kỳ ai, sự lựa chọn đến đâu lúc này có thể chỉ khác nhau là sống hay chết."
Mặc dù Trung Quốc đã báo cáo không có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào tại đại lục trong ngày thứ ba liên tiếp và WHO cho rằng thành phố Vũ Hán (Wuhan), nơi dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ cuối năm ngoái, đã thắp lên "tia sáng hy vọng" cho phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, hiện giới chức nước này lo ngại làn sóng nhiễm mới có thể bùng phát trở lại từ những người nhập cảnh vào nước này.
Trên toàn châu Âu, các chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Hiện các đại lộ và quảng trường nổi tiếng nhất châu lục nay cũng trở nên vắng lặng ngay cả khi mùa Xuân về, tiết trời ấm áp và đẹp nhất trong năm.
Cho đến nay, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu khác đều đã lần lượt áp đặt lệnh phong tỏa, thông báo với người dân ở trong nhà. Những trường hợp không có lý do chính đáng sẽ bị phạt nặng.
[Italy huy động quân đội giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa]
Anh, cũng giống các nước láng giềng tại Liên minh châu Âu (EU) cũng phải thông báo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa trường học, các nhà hàng, quán rượu... để kiểm soát dịch.
Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia ngày 21/3 đã đề nghị tổng thống nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp do bùng phát virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thủ tướng Gakharia cho hay, biện pháp trên, dự kiến sẽ được quốc hội thông qua sau khi tổng thống phê chuẩn, sẽ được áp dụng trong 1 tháng.
Gruzia đã ghi nhận 47 ca nhiễm SARS-CoV-2 tính đến ngày 21/3.
Ngày 21/3, giới chức y tế Đức thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này tăng thêm 2.705 ca chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.662.
Viện Robert Kochs cho biết tới nay có tổng cộng 47 người tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này, tăng 16 ca so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, số liệu mới được Bộ Y tế Tây Ban Nha cập nhật cũng cho thấy số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia này tăng lên tổng số 1.326 ca trong ngày 21/3, cao hơn nhiều mức 1.002 ca của một ngày trước đó.
Số ca xác nhận nhiễm bệnh tại Tây Ban Nha trong ngày cũng tăng lên mức 24.926 từ mức 19.980 ca ngày 20/3.
Bộ Y tế Nhật Bản và các chính quyền địa phương ngày 21/3 thông báo số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra ở nước này đã tăng lên thành 1.031 người, tính đến 18 giờ 30 phút cùng ngày theo giờ địa phương.
Trong tổng số 1.031 ca mắc COVID-19 nêu trên, có 159 ca ở tỉnh Hokkaido, 139 ca ở tỉnh Aichi, 129 ca ở thủ đô Tokyo, 123 ca ở tỉnh Osaka, 107 ca ở Hyogo và 71 ca ở tỉnh Kanagawa.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 43 người, bao gồm cả những trường hợp trên tàu Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, gần thủ đô Tokyo.
Trong khi đó, Nhật Bản cho đến nay đã có tổng cộng 766 người mắc COVID-19 được xuất viện.
Ngày 21/3, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận thêm 38 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia 56 triệu dân lên thành 240 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi thông báo 2 bệnh nhân đầu tiên khỏi bệnh tại Nam Phi đã ra viện sau hơn 2 tuần điều trị. Một trong 2 người này là bệnh nhân số 0 và là thành viên của nhóm 9 du khách trở về từ Italy hồi đầu tháng Ba này.
Cũng trong ngày 21/3, Bộ trưởng Công an Nam Phi Bheki Cele cảnh báo các nhà thờ không tiếp tục cử hành các buổi lễ để tránh lây lan dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều người dân vẫn đến một số nhà thờ để hành lễ.
Trước đó, hôm 19/3 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã có cuộc gặp với các chức sắc tôn giáo tại nước này để yêu cầu tạm dừng các hoạt động có nhiều người tham dự.
Với ca đầu tiên được phát hiện hôm 5/3 vừa rồi, Nam Phi hiện đang là quốc gia có tốc độ lây lan dịch COVID-19 nhanh nhất châu Phi và là ổ dịch lớn thứ hai sau Ai Cập với 285 ca.
Tính đến sáng ngày 21/3, châu Phi đã có hơn 700 ca mắc COVID-19 tại 38 nước trên tổng số 54 quốc gia của châu lục này.
Sau ca tử vong đầu tiên tại Gabon cùng ngày, hiện toàn châu Phi có tổng cộng 20 ca tử vong do COVID-19.
Quan chức y tế Mauritius Kavish Pultoo ngày 21/3 cho biết, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong khi số người mắc bệnh gia tăng.
Mauritius hiện có 13 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2./.