Ngành du dịch Đông Nam Á gặp khó khăn do dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang cho thấy "sự mong manh" của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và gây không ít khó khăn cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
Du khách thăm quan bên ngoài Hoàng cung Thái Lan ở Bangkok ngày 8/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Du khách thăm quan bên ngoài Hoàng cung Thái Lan ở Bangkok ngày 8/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hãng tin Nikkei của Nhật Bản ngày 20/3 đã có bài phân tích về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với ngành du lịch của Đông Nam Á, từ đó tác động đến nguồn thu ngân sách của nhiều quốc gia ở khu vực này.

Theo bài viết này, dịch COVID-19 đang cho thấy "sự mong manh" của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và gây không ít khó khăn cho các nền kinh tế Đông Nam Á.

Các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch trong và ngoài nước. Tại Thái Lan, doanh thu của ngành du lịch nước này trong tháng Một vừa qua đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhiều nhà điều hành khách sạn cho biết tỷ lệ đặt phòng chỉ ở mức khoảng 50% trong tháng Hai vừa qua và dự kiến các khoản lỗ đáng kể sẽ xảy ra trong quý 1 này.

Theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đã đóng góp tới 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á vào năm 2018, cao thứ hai thế giới chỉ sau khu vực Caribe.

Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu của khu vực Đông Nam Ấ trong năm 2018, cao hơn so với các con số tương ứng của công nghiệp ôtô và than đá.

[Nỗi lo chung của các nước Đông Nam Á thời đại dịch COVID-19]

Cũng theo Nikkei, ước tính 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD, nếu lượng khách du lịch trong năm 2020 giảm 50% so với năm 2018 và có thể tăng lên tới 150 tỷ USD nếu số lượng khách giảm xuống còn 0%.

Thâm hụt ngân sách buộc các nước phải dựa vào vốn vay nước ngoài. Tuy vậy, nếu một số đồng tiền giảm quá mạnh sẽ dẫn tới nguy cơ đối mặt với sức ép từ các nhà đầu cơ.

Nợ nước ngoài của Malaysia hiện tương đương 60% GDP, gấp đôi dự trữ ngoại tệ của nước này, trong khi con số tương ứng của Indonesia còn gấp 3 lần dự trữ ngoại tệ của quốc gia Vạn Đảo.

Du khách nước ngoài là một "nguồn thu" ngoại tệ lớn và thúc đẩy sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Ví dụ, ngành du lịch đóng góp 18% GDP của Campuchia và gần 20% GDP của Thái Lan, trong khi con số trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sự bùng phát dịch COVID-19 có thể sẽ khiến một số quốc gia Đông Nam Á phải điều chỉnh chiến lược tăng trưởng để giảm bớt sự phụ thuộc vào du lịch - lĩnh vực vốn được tập trung phát triển trong nhiều năm vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục