Hàng triệu người lao động tại Anh đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm trong các ngành bị tác động bởi quyết định phong tỏa các hoạt động xã hội trên phạm vi cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19, trong bối cảnh đã có hơn 200.000 lao động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn bị cho nghỉ việc từ giữa tháng Hai đến nay.
Khoảng 1/4 lực lượng lao động tại Anh làm việc trong các lĩnh vực có nguồn cầu giảm mạnh sau những quyết định của Chính phủ. Khoảng 5 triệu người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ, 2,5 người triệu trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, và hơn 1 triệu người làm việc trong các ngành nghệ thuật, giải trí và sáng tạo, chưa kể khoảng 1 triệu người khác làm việc trong các hoạt động dịch vụ như chăm sóc khách hàng.
Theo báo cáo của các tổ chức hiệp hội trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Anh, hiện đã có 1 triệu việc làm bị đe dọa trực tiếp.
Các hoạt động cắt giảm nhân sự đang diễn ra một cách ồ ạt. Nhu cầu cấp bách của ngành hiện nay là gói hỗ trợ và bơm tiền để giữ công ăn việc làm cho người lao động trong vòng vài ngày tới.
Gói giải cứu được công bố hôm 17/3 của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tập trung vào cam kết bảo đảm tín dụng không giới hạn của chính phủ và các biện pháp hỗ trợ khác cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, dưới hình thức cấp tiền mặt hoặc miễn giảm thuế. Tuy nhiên, sự hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân vẫn chỉ đang giới hạn ở mức củng cố quy chế nghỉ ốm có lương đã được công bố.
[Anh: Các trường đại học ''thất thu'' học phí do dịch COVID-19]
Theo ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa Anh, những biện pháp giải cứu mới nhất cũng rất đáng kể, nhưng chưa nhằm vào mục tiêu bảo vệ công ăn việc làm, vì việc trả lương cho nhân viên sẽ rất tốn kém, trong khi nếu nhu cầu vẫn thấp thì việc cắt giảm lao động chắc chắn sẽ xảy ra.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Anh cho rằng các biện pháp được chính phủ công bố là chưa đủ để giúp họ duy trì hoạt động. Chỉ một tiếng đồng hồ sau tuyên bố về gói cứu trợ của Bộ trưởng Tài chính, chuỗi cung cấp thịt bò Hawksmoor tuyên bố đóng cửa, với rất nhiều nhân viên mất việc làm, sau những tuyên bố tương tự từ các các đối thủ cạnh tranh.
Ông Jonathan Downey, đồng sáng lập London Union, doanh nghiệp chuyên về cung cấp địa điểm tổ chức sự kiện và quầy bán thức ăn đường phố tại thủ đô London, cho biết đã đóng cửa toàn bộ chi nhánh và cho 85% nhân viên nghỉ việc. Những người còn lại chỉ được hưởng mức lương bằng 3/4 thông thường.
Các công ty kinh doanh cơ sở lưu trú tại London cũng đóng cửa cơ sở, cho nhân viên nghỉ không lương hoặc tuần làm việc hai ngày, thậm chí là hủy các hợp đồng lao động thời vụ.
Đặc biệt dễ bị tổn thương là những người lao động trong các lĩnh vực có mức thu nhập thấp. Trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn, có tỷ lệ rất cao về số nhân viên ngắn hạn chưa đủ thời gian làm việc tối thiểu để hưởng trợ cấp thôi việc, hoặc chỉ có thể được hưởng chế độ qua chương trình phúc lợi toàn dân vốn phải chờ đến 5 tuần mới được thanh toán lần đầu.
Trong lĩnh vực nhà hàng, nghệ thuật, giải trí và các hoạt động khác, tỷ lệ người lao động độc lập còn cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nguy cơ mất việc và cắt giảm mạnh về thu nhập cũng rất đa dạng và khác xa nhau. Ước tính khoảng 2 triệu lao động - 6% lực lượng lao động - sẽ buộc phải nghỉ làm để trông con khi các trường học đóng cửa.
Nhiều người lao động trong nhóm ngành thu nhập cao cũng vẫn gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền thuê nhà trong những khu vực có chi phi nhà cửa cao, nếu họ buộc phải nghỉ phép không lương kéo dài.
Có khả năng Chính phủ Anh đang xem xét mô hình hỗ trợ giống Đan Mạch - trong đó nhà nước thanh toán 75% chi phí tiền lương cho những công ty bị ảnh hưởng nặng nhất - hoặc mô hình Kurzarbeit của Đức cung cấp trợ cấp nhà nước cho những công ty giảm giờ làm và lương của người lao động nhưng không sa thải hẳn.
Có những ý kiến kêu gọi Chính phủ Anh thiết lập một quỹ trợ cấp tiền lương dành cho các doanh nghiệp chủ lao động, nhằm giảm bớt áp lực sa thải nhân viên. Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng ưu tiên lúc này là phải làm cho các gói phúc lợi xã hội trở nên hào phóng hơn nữa./.