Hàng vạn sinh viên Italy đã đồng loạt xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn nhằm phản đối dự luật ngân sách 2014 của chính phủ.
Các sinh viên cũng gửi một lá thư ngỏ đến Bộ trưởng giáo dục Italy, đưa ra 10 yêu sách liên quan đến các quyền lợi cơ bản dưới mái trường, đòi hỏi tăng thêm ngân sách cho giáo dục, cũng như đảm bảo cho tương lai của họ sau khi ra trường.
Mang tên "Luật ổn định," dự luật ngân sách 2014, đang được hai viện Quốc xem xét và sửa đổi, hiện đang bị các giới xã hội Italy chỉ trích dữ dội vì nhiều khía cạnh. Trong lĩnh vực giáo dục, nếu được thông qua, ngân sách năm 2014 sẽ cắt giảm hơn 200 triệu euro cho hệ thống các trường từ mẫu giáo đến đại học của Italy, bao gồm các khoản chi phí ngân sách hoạt động hàng năm, các khoản chi cho xây dựng cơ bản, các chi phí cho nghiên cứu, và cả học bổng đặc biệt cho các học sinh xuất sắc.
Dự luật mới cũng quy định việc không nâng lương và cải thiện hợp đồng lao động cho giáo viên ở một số trường học trong vòng hai năm tới. Theo các nhà bình luận, dự luật ngân sách mới cung cấp quá ít ngân sách cho hệ thống giáo dục, vốn đã bị tác động hết sức mạnh mẽ và tiêu cực bởi đã bị cắt giảm 760 triệu euro trong vòng bốn năm qua, và càng đẩy ngành giáo dục nước này vào khủng hoảng, đồng thời không khuyến khích được việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Việc cắt giảm chi phí này cũng như một số chi phí khác nằm trong chiến dịch thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ Italy đã thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm đưa thâm hụt ngân sách so với GDP xuống dưới 3% theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU) và cố gắng hạ thấp nợ công hiện đang ở mức kỉ lục 130% GDP.
Mặc dù Thủ tướng Enrico Letta tuyên bố hy vọng trong quý 4/2013, Italy sẽ thoát khỏi suy thoái sau chín quý liên tiếp kể từ cuối năm 2011 và nền kinh tế sẽ dần phục hồi trong năm 2014, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, còn quá sớm để dự báo bao giờ Italy mới thoát khỏi khủng hoảng.
GDP của Italy trong quý 3/2013 giảm 0,1% so với quý trước và 1,9% so với cùng kì 2012, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên đến con số kỉ lục 12,5% trong tháng Chín.
Thanh niên Italy trở thành những người bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng. Gần 40% thanh niên Italy không có việc làm. Thủ tướng Letta đã gọi tình trạng này là "cơn ác mộng quốc gia" và thừa nhận là Italy có thể "mất cả một thế hệ".
Theo các tổ chức sinh viên, những cuộc biểu tình sẽ còn tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới để gây áp lực lên chính phủ và Quốc hội, nhằm sửa đổi dự luật ngân sách 2014./.