Hành trình 2 năm nỗ lực đưa “Truyện Kiều” đến với độc giả Nga

Ban đầu, nhóm biên soạn phải quyết định vấn đề dịch như thế nào, dịch kiểu hàn lâm với rất nhiều chú thích kèm theo hay dịch theo kiểu để đa số độc giả có thể đọc và cảm nhận.
Dịch giả Vũ Thế Khôi (ngoài cùng bên trái) trong buổi ra mắt truyện Kiều bằng thơ tự do tiếng Nga. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Năm 2015, một nhóm chuyên gia Việt-Nga, sau gần 2 năm nỗ lực không ngừng đã kịp giới thiệu bản tiếng Nga nguyên tác nổi tiếng “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du với các độc giả Việt Nam và Liên bang Nga đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông.

Họ có 6 người gồm nhà tổ chức-Giáo sư, Tiến sỹ Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Vũ Thế Khôi, các hiệu đính viên Đoàn Tử Huyến, Anatoly Sokolov, chuyển tải thơ-nhà thơ Vasili Popov, và nhà tài trợ-doanh nhân Hoàng Văn Vinh, người cùng quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh với đại thi hào Nguyễn Du. Những nỗ lực của họ đã giúp nhiều độc giả Nga tiếp cận với tác phẩm được xem như "pho từ điển bách khoa" này của Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi về quá trình biên soạn cuốn “Truyện Kiều” phiên bản tiếng Nga, nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov nhấn mạnh mỗi dân tộc trên thế giới đều có các nhà văn vĩ đại của mình.

Ví dụ ở Anh là tác giả William Shakespeare, ở Italy là nhà thơ Dante Alighieri, ở Nga là "Mặt Trời thi ca" Aleksandr Pushkin, còn ở Việt Nam là Nguyễn Du.

Theo ông, chính những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng này đã hình thành đời sống tâm hồn của mỗi dân tộc, và vai trò của những nhân vật này là rất vĩ đại. Ông đánh giá: “Có thể nói họ là những người hình thành nền văn hóa của dân tộc.”

Bày tỏ vui mừng khi lại được nói đến “Truyện Kiều” nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, ông Sokolov kể: “Khi chúng tôi bắt tay vào chuyển tải 'Truyện Kiều,' chúng tôi hiểu rằng phía trước là thách thức to lớn cần vượt qua. Chúng tôi đã lập ra nhóm biên soạn gồm 5 người...  Chúng tôi đã làm việc cật lực và khẩn trương vì chúng tôi muốn bản dịch được xuất bản sau một thời gian ngắn.”

[Tình yêu Truyện Kiều và hành trình sưu tập 73 bản chuyển ngữ]

Ban đầu, nhóm biên soạn phải quyết định vấn đề dịch như thế nào, dịch kiểu hàn lâm với rất nhiều chú thích kèm theo hay dịch theo kiểu để đa số độc giả có thể đọc và cảm nhận.

Và sau một thời gian cân nhắc, họ quyết định chuyển tải sang tiếng Nga theo cách phục vụ đông đảo độc giả. Cũng chính vì thế nhóm tác giả đã đề nghị nhà thơ trẻ tuổi Vasili Popov (sinh năm 1983) tham gia công việc này.

Ông Sokolov kể: “Thực tế chúng tôi đã chọn một số nhà thơ và kiểm tra xem họ chuyển sang tiếng Nga có hợp không. Các nhà thơ đều ổn, song ở nhà thơ trẻ Popov có phong cách thơ rõ ràng và thú vị, thơ của anh ấy giống với thơ Nguyễn Bính và đây chính là yếu tố quyết định.”

Nhà Việt Nam học Sokolov tâm sự công việc chuyển tải "Truyện Kiều" sang tiếng Nga rất vất vả, căng thẳng, song nhóm tác giả đã hoàn thành và kết quả thu được đều khiến các thành viên trong nhóm hài lòng, bởi sách đã đến được với người Nga.

Ông cho biết nhiều người Nga đã đọc cuốn sách này, trước tiên là các sinh viên Nga học tiếng Việt, sau đó là các sinh viên ngữ văn, sinh viên lịch sử, và các thư viện.

Ông chia sẻ đây là thành quả quan trọng nhất khi nước Nga đã có một tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du để người Nga nào cũng có thể đọc và nghiên cứu.

Trưng bày tác phẩm 'Truyện Kiều' tại bảo tàng. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Đánh giá về tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, ông Sokolov cho rằng “Truyện Kiều” là cuốn bách khoa toàn thư về đời sống Việt Nam, bởi có thể nói tất cả đời sống của Việt Nam thời kỳ đó đều được thể hiện trong truyện.

Đó là nguồn có giá trị về đời sống, tập quán, văn hóa, về con người Việt Nam, là nguồn cung cấp đáng giá dành cho các nhà sử học, ngữ văn học và những ai quan tâm đến văn hóa. Ông khẳng định: “Có thể nói đây là tác phẩm vô giá.”

Theo ông, Nguyễn Du là nhà thơ điêu luyện, và qua tác phẩm có thể thấy rõ những diện mạo quan trọng nhất của đời sống Việt Nam thời điểm đó.

Ngoài ra, Nguyễn Du còn là bậc thầy về khắc họa tâm lý học khi tạo ra hình ảnh đời sống, các nhân vật chính trong truyện một cách rõ ràng và có thể ghi nhớ, “vì vậy không ngẫu nhiên mà rất nhiều ngôn từ trong tác phẩm này vĩnh viễn nằm trong kho ngôn ngữ Việt Nam,” ông kết luận.    

Nhà thơ trẻ Vasili Popov, người đã gieo vần cho “Truyện Kiều” bản tiếng Nga, thừa nhận đây là công việc rất vất vả. Trước đó, anh chỉ sáng tác những bài thơ ngắn và chưa bao giờ thử sức với một tác phẩm dài đến vậy.

Nhà thơ Popov còn nhớ rõ “Truyện Kiều” bản tiếng Việt có 3.254 câu thơ, song bản chuyển tải tiếng Nga của anh gồm hơn 4.000 câu thơ.

Anh kể: “Tôi đã phải làm việc rất nhiều về ngôn ngữ, và điều này là rất thú vị và đã thu được kết quả, vì tôi đã sử dụng rất nhiều vần thơ... Để dịch tác phẩm này không đơn thuần là kể một câu chuyện mà còn phải đưa tâm hồn của mình vào đó.”

Theo đánh giá của nhà thơ Popov, mặc dù có thể chỉ chuyển tải được 70% những ý tứ trong "Truyện Kiều," song bản tiếng Nga thực sự đã chuyển tải được hồn cốt tác phẩm nổi tiếng này, anh khẳng định đây không đơn thuần là dịch "Truyện Kiều" mà là “đổi máu cho tác phẩm.” Anh tâm sự: “Tôi rất thích công việc này vì qua đó tôi đã hiểu được rõ hơn về tính cách Việt Nam.”

Nhà thơ Popov cho rằng “Truyện Kiều” có thể so sánh với tác phẩm Evgheny Onegin nổi tiếng của đại thi hào Nga Pushkin, chỉ có điều Onegin là nhân vật nam còn Thúy Kiều là nhân vật nữ. Mặt khác cả hai tác giả Pushkin và Nguyễn Du đều sống cùng một thời kỳ.

Theo lời kể của Giáo sư-Tiến sỹ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, người tổ chức biên soạn cuốn sách, nhóm dịch thuật đã chọn bản “Truyện Kiều” do nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Thạch Giang biên soạn và chú giải, vì đây là bản chuẩn nhất.

Đầu tiên Nhà giáo Nhân dân, dịch giả Vũ Thế Khôi dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Nga, sau đó phần dịch này được chuyển cho các chuyên gia Đoàn Tử Huyến và Anatoly Sokolov hiệu đính, tiếp đến chuyển lại cho dịch giả Vũ Thế Khôi để hiệu chỉnh lần nữa, rồi chuyển cho nhà thơ Popov để chuyển tải thành thơ. 

Giáo sư Huy Hoàng cũng nhớ lại quá trình gian nan chuyển 3.000 cuốn "Truyện Kiều" bản tiếng Nga sang Nga, số sách này phải chia nhỏ thành các kiện 20kg để có thể nhanh chóng đưa sang.

Sau khi sách đến được Nga, chính Giáo sư Huy Hoàng chở sách đến các trường đại học lớn ở Moskva hoặc đóng bưu kiện từ 5-10 cuốn gửi đến các thư viện và trường phổ thông. Sau khi phân phát hết 3.000 cuốn, thật mừng là phản hồi của độc giả đối với cuốn sách rất tích cực. Các độc giả Nga đều coi đây là tác phẩm văn học rất lớn của Việt Nam. 

Giáo sư Huy Hoàng chia sẻ “Truyện Kiều” phiên bản tiếng Nga có lẽ là tác phẩm lớn đầu tiên của Việt Nam được chuyển tải sang tiếng Nga sau gần 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã.

Bởi vậy, ông mong muốn sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học lớn của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để chuyển tải sang tiếng Nga, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu văn học giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục