Hát trống quân Hưng Yên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tỉnh Hưng Yên đón nhận bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "hát trống quân Hưng Yên" - lối hát đối đáp giao duyên gắn liền với sinh hoạt cộng đồng.
Hát trống quân Hưng Yên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Trống quân xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Ngày 11/5, tỉnh Hưng Yên tổ chức đón nhận bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "hát trống quân Hưng Yên". Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên và là của riêng tỉnh Hưng Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Hát trống quân là lối hát ví von, đối đáp giao duyên phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Theo sử sách ghi lại, hát trống quân có quá trình hình thành và phát triển từ thời Triệu Việt Vương, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân quê nhãn Hưng Yên.

Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của âm nhạc dân gian, là lối hát đối đáp giao duyên, thuộc loại hình diễn xướng, mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc, lại vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ. Lời hát phong phú được chắt lọc từ chính phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, triết lý nhân sinh…

[Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản văn hóa quốc gia]

Theo các nhà nghiên cứu, nội dung các câu hát trống quân là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã và là kho tàng tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong vật quê hương…Qua đó góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân.

Ngày nay, hát trống quân đang phát triển ở nhiều nơi và được bảo tồn, lưu giữ khá đầy đủ tại Hưng Yên như các xã: Dạ Trạch, An Vỹ, Hàm Tử (huyện Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang); Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi); Dị Chế, Hải Triều, Thụy Lôi, Cương Chính (huyện Tiên Lữ); Thọ Vinh, Đức Hợp, Hùng An (huyện Kim Động); Việt Hưng (Văn Lâm).

Một số câu lạc bộ ở các xã: Dạ Trạch, Vĩnh Khúc, Đồng Than đã tổ chức truyền dạy hát trống quân cho thế hệ trẻ để lưu giữ cho mai sau. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 6 nghệ nhân hát trống quân đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ông Trần Đăng Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết tỉnh đang triển khai chương trình "Bảo vệ di sản hát Ca trù và Trống quân giai đoạn 2014-2020.".

Từ nay đến năm 2020, cùng với ca trù, hát trống quân sẽ được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hóa của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.