Nhân sự kiện tưởng niệm 73 năm Mỹ ném hai quả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, con đường dẫn đến mục tiêu này vẫn còn không ít chông gai.
Ngày 6/8 và 9/8, Nhật Bản đã tổ chức hai buổi lễ tưởng niệm sự kiện đau thương trên tại thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Tới tham dự và bày tỏ tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa vũ khí hạt nhân, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã cảnh báo về tình hình căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như sự mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới trở lại với đối thoại và các biện pháp ngoại giao để đạt được tiếng nói chung nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
[Infographics] So sánh các vụ nổ hạt nhân trên thế giới
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh việc Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), được Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7/2017, là bằng chứng rõ ràng cho thấy các nỗ lực nhằm chấm dứt vĩnh viễn những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, từ đó hiện thực hóa sứ mệnh xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước TPNW có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng vì lần đầu tiên có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đặc biệt, Hiệp ước có quy định trách nhiệm của các nước tiến hành thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng trong việc giúp đỡ nạn nhân và khắc phục hậu quả về môi trường.
Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng là điều mà người dân toàn thế giới đang mong mỏi, đặc biệt khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa đi đến hồi kết, và vấn đề hạt nhân Iran tưởng như đã được giải quyết nay đang “nóng” trở lại.
Liên quan đến Triều Tiên, cách đây gần 3 tháng, thế giới đã hoan hỉ chào đón cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử, đưa lãnh đạo của hai quốc gia đối địch này ngồi vào bàn đàm phán, và đạt tuyên bố chung cam kết hướng đến “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.
Trong ba tháng qua, dù nhiều cuộc đàm phán cấp bộ trưởng và chuyên viên đã diễn ra, nhưng dường như vẫn chưa có động thái nào cụ thể thực hiện những gì hai lãnh đạo đã tuyên bố.
Thậm chí tình báo Mỹ còn tuyên bố phát hiện những dấu hiệu “ngược chiều” tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ thiếu thiện chí khi tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên.
Trong vấn đề hạt nhân Iran, sau hai năm thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các cuộc thanh sát quốc tế đều khẳng định Tehran đã ngừng hoạt động làm giàu urani ở cấp độ vũ khí.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi văn kiện này, dẫn tới việc tái áp đặt trừng phạt Iran từ ngày 7/8, đang có nguy cơ đưa câu chuyện trở lại vạch xuất phát.
Giới chính khách và chuyên gia đánh giá đây là "một sai lầm chiến lược," đồng thời cảnh báo việc này có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông và thúc đẩy các thế lực cực đoan, cũng như đặt ra nguy cơ chay đua vũ khí hạt nhân trong khu vực và trên thế giới.
Những diễn biến trên đặt trong bối cảnh TPNW đã được Liên hợp quốc thông qua hơn 1 năm trước, nhưng đến nay mới có 10 nước ký phê chuẩn, trong khi văn kiện này sẽ chỉ có hiệu lực nếu được 50 nước phê chuẩn. Mới đây, Việt Nam là quốc gia thứ 10 phê chuẩn hiệp ước này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, tham gia các cuộc đàm phán hay bỏ phiếu về TPNW.
Trong khi đó, Nhật Bản, nước duy nhất hứng chịu thảm họa bom hạt nhân, cũng chưa ký kết văn kiện, do Tokyo còn đang phụ thuộc vào “ô hạt nhân” của Mỹ để ứng phó với mối đe dọa chưa được xóa bỏ từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm ở Hiroshima ngày 6/8, Thị trưởng thành phố Kazumi Matsui kêu gọi xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân thông qua đối thoại, và hối thúc Chính phủ Nhật Bản tham gia ký kết TPNW.
Ông Matsui khẳng định Nhật Bản cần phải dẫn đầu các nỗ lực nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế đối thoại và hợp tác vì một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Ông cảnh báo những căng thẳng mới nổi trong thời gian qua xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng nếu ngừng đấu tranh, nhân loại có thể sẽ lặp lại những "tội lỗi tồi tệ."
Còn tại buổi lễ tưởng niệm ở Nagasaki ngày 9/8, Thị trưởng Tomihisa Taue kêu gọi các chính sách an ninh không dựa trên khả năng răn đe hạt nhân, và nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tuân thủ “nghĩa vụ tinh thần” của mình là đi đầu trong các nỗ lực hướng tới một thế giới phi hạt nhân.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định “để tạo dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân, cần có sự hợp tác từ cả hai phía là nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân.”
Ông cam kết Nhật Bản sẽ đóng vai trò cầu nối giữa hai bên, với quyết tâm nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quyết tâm và nỗ lực, nếu chỉ dừng lại ở lời nói, thì không thay đổi được gì.
Khoảng 140.000 người đã thiệt mạng khi “Little Boy” được ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử thứ hai mang tên “Fat Man” được thả xuống Nagasaki 3 ngày sau đó cướp đi tính mạng của khoảng 74.000 người. Đó là chưa kể hàng chục nghìn người khác bị ảnh hưởng trực tiếp sau những ngày tang thương nhất trong lịch sử đất nước Mặt Trời mọc cũng như toàn nhân loại này.
Những con số biết nói ấy đang hằng ngày nhắc nhớ về những hậu quả khôn lường của vũ khí hạt nhân, và thúc giục các nước cần nhanh chóng phê chuẩn TPNW để sớm đạt mục tiêu một thế giới hòa bình, không còn phải lo lắng về thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Nói như Giám đốc Bảo tàng bom nguyên tử ở Nhật Bản, Akitoshi Nakamura: “Hãy để Nagasaki là nơi cuối cùng trên Trái Đất phải chịu đựng thảm họa do vũ khí hạt nhân gây ra”./.