Ngày 16/6, Tunisia phối hợp với Ireland, Anh, Estonia, Kenya, Niger, Na Uy, Pháp, Saint Vincent & Grenadines và Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tác động của đại dịch COVID-19 đến các nỗ lực phòng chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách Cơ quan Điều hành chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx, điều phối viên Nhóm Giám sát về chống khủng bố của Ủy ban 1267 Edmund Brown và đại diện phi chính phủ được mời báo cáo Hội đồng Bảo an.
Đại diện của 45 nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
[Những nguy cơ khủng bố tồn tại ở Afghanistan thời kỳ 'hậu Mỹ']
Bà Coninsx cho rằng các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch về lâu dài sẽ tạo nhiều “điều kiện thuận lợi” cho chủ nghĩa khủng bố, nhất là tại các nước có tình hình kinh tế-chính trị mong manh.
Bà cho rằng chính sách chống khủng bố hậu COVID-19 cần bao gồm việc bảo đảm yếu tố giới, chú trọng phân phối bình đẳng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời kêu gọi tăng cường điều phối các nỗ lực toàn cầu chống khủng bố, bảo đảm cách tiếp cận toàn diện, bình đẳng và tôn trọng quyền và nhân phẩm con người.
Ông Brown cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục gia tăng hoạt động tại các khu vực then chốt là Afghanistan và Syria, tìm cách phá hoại tiến trình hòa bình tại Afghanistan, mở rộng hoạt động tại khu vực châu Phi, lợi dụng các khó khăn về quản trị, kinh tế, xã hội và tình hình xung đột tại đây.
Ý kiến phát biểu của các nước khẳng định cam kết duy trì đoàn kết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, yêu cầu bảo đảm các quyền cơ bản của con người trong chống khủng bố, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo, tăng cường năng lực của quốc gia và vai trò của tổ chức khu vực, ủng hộ vai trò của Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) và CTED.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định yếu tố quan trọng hàng đầu trong chống khủng bố hiện nay là đoàn kết và tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước và khu vực tăng cường năng lực phát hiện, ngăn ngừa và chống khủng bố quốc tế, cũng như hỗ trợ các nước phục hồi bền vững sau đại dịch, bảo đảm tiếp cận vaccine một cách công bằng.
Đại sứ nhấn mạnh cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố thông qua phát triển kinh tế, hòa giải dân tộc, xây dựng xã hội công bằng, khoan dung và có khả năng tự kháng đối với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đồng thời cần bảo đảm các biện pháp phòng chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an cùng các tổ chức quốc tế. Tunisia hiện là Chủ tịch Ủy ban Chống khủng bố (CTC) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.