"Hệ thống điều hành của hải quân Trung Quốc mới ở cấp mẫu giáo"

Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Lý Kiệt cho biết, so với hơn 100 năm kinh nghiệm tổ chức của Mỹ, các thủy thủ đoàn của Trung Quốc chỉ như đang "học cấp mẫu giáo."
"Hệ thống điều hành của hải quân Trung Quốc mới ở cấp mẫu giáo" ảnh 1Máy bay J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo SCMP, sau nhiều năm sao chép các chi tiết tốt nhất của mô hình hải quân Mỹ trong việc xây dựng các nhóm tàu sân bay tấn công, Bắc Kinh nay phải nỗ lực để đẩy mạnh việc xây dựng các thủy thủ đoàn và phi hành đoàn.

Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc rốt cuộc sẽ trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới về tàu sân bay, chỉ sau Mỹ, tuy nhiên phi hành đoàn của nhóm tàu sân bay này vẫn còn kém xa các tiêu chuẩn quốc tế.

Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Lý Kiệt cho biết: "Trung Quốc cần có nhiều hơn 4 nhóm tàu sân bay để có thể thực hiện các nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển xa cũng như bảo vệ các lợi ích quốc gia ở nước ngoài. Một tàu sân bay duy nhất không thể trở thành lực lượng chiến đấu vì cần có sự hiện diện của nhiều tàu chiến khác để có thể tạo nên một nhóm chiến đấu, cũng như sự bảo vệ của các tàu khác."

Hiện hải quân Mỹ đang duy trì 10 nhóm tàu sân bay tấn công đặt căn cứ ở Mỹ và các căn cứ hải quân nước ngoài. Nhóm thứ 11 sẽ bắt đầu phục vụ khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford được đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay thông thường đang hoạt động, tàu Liêu Ninh, được tân trang lại từ tàu Varyag của Liên Xô thuộc lớp Kuznetsov.

Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ 2 hôm 26/4, tàu đầu tiên được thiết kế và đóng trong nước, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ trong 3 năm tới.

Theo ông Lý, một nhóm tàu sân bay tấn công cần từ 4.500-5.000 thành viên thủy thủ đoàn, việc phải chỉ huy một thủy thủ đoàn quy mô lớn là một thách thức không nhỏ.

Hải quân Mỹ đã thiết lập một hệ thống điều hành tàu sân bay toàn diện, kể cả việc cho máy bay cất cánh và hạ cánh với cường độ cao, trong mọi điều kiện thời tiết, phối hợp các tàu chiến khác trong một nhóm chiến đấu.

Ông Lý đánh giá, so với hơn 100 năm kinh nghiệm tổ chức của Mỹ, các thủy thủ đoàn của Trung Quốc chỉ như đang "học cấp mẫu giáo."

Nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong cho rằng hệ thống điều hành của hải quân Trung Quốc còn lâu mới đáp ứng được các yêu cầu của một hạm đội chiến đấu trên đại dương, bởi lực lượng này đang trong quá trình chuyển đổi từ một hải quân ven bờ đến một lực lượng hải quân hoạt động ngoài khơi xa.

Ông nói thêm: "Vì các nhu cầu chiến lược và sự phát triển lâu dài, các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ có xu hướng học hỏi ngày càng nhiều từ mô hình hải quân của Mỹ để tập trung vào các tàu sân bay. Trung Quốc vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài để có thể bắt kịp những người đồng nhiệm Mỹ của họ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.