Hệ thống tài chính về khoáng sản: Nhiều “lỗ hổng” dẫn tới thất thu

Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu.
Khai thác khoáng sản hủy hoại môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngành dầu khí và khai thác khoáng sản của nước ta trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng, đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các thành viên trong Liên minh khoáng sản, mức đóng góp này vẫn chưa thực sự tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường.

“Thêm vào đó, chính sách quản lý hiện tại cũng chưa khuyến khích được doanh nghiệp khai thác khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu,” tiến sỹ Lộc thẳng thắn chia sẻ.


Khai thác còn thiếu chiều sâu, khó kiểm soát

Tại hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức  ngày 10/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, khẳng định tài nguyên khoáng sản là một trong những “nguồn lực” quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

“Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 1996, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: số lượng các mỏ khoáng sản, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản tăng nhanh nhưng không có chiều sâu; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát,” Thứ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Với vai trò là cán bộ nghiên cứu về tài nguyên môi trường, ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết hiện nay cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất điểm thu thuế, nguồn thu thuế tài nguyên. Ví dụ một công ty khai thác than ở Quảng Ninh hay khai thác đá ở Phú Yên nhưng trụ sở công ty lại đóng ở Hà Nội nên công ty này sẽ phải nộp thuế ở Hà Nội, thành ra địa phương nơi công ty trực tiếp khai thác không quản lý được các khoản thuế này.

“Thay vào đó, để làm ‘hài lòng’ địa phương, các công ty phải phải trích ra một số phí khác để đóng cho địa phương như thuế hoàn thổ, quỹ phúc lợi. Chính việc không thống nhất các khoản thu này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh đồng thời làm giảm hiệu quả sử dụng thuế, phí vào các mục đích chính thống,” ông Hưng phân tích.

Một ví dụ khác cũng rất thực tế được ông Hưng đưa ra đó là một công ty liên doanh đóng tại Việt Nam họ hoàn toàn dùng các công ty vệ tinh để làm sản phẩm. Các công ty vệ tinh nhỏ ấy chỉ phải nộp thuế tài nguyên với mức nội bộ nhưng sản phẩm của họ lại được đưa vào công ty liên doanh và xuất khẩu ra nước ngoài.

"Như vậy, bản thân công ty liên doanh này đã ‘né’ được một khoản thuế lớn. Trong khi các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nộp hầu hết các khoản thuế. Việc quá nhiều các khoản thuế không thống nhất đã đẩy cao giá thành, làm sản phẩm của doanh nghiệp nội khó cạnh tranh hơn so với các sản phẩm của công ty liên doanh,” ông Hưng thông tin.

Ở góc độc chuyên gia kinh tế, ông Lê Đăng Doanh cho rằng việc quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay có vẻ như đang “xem nhẹ” khâu đánh giá bởi qua nhiều thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan đều biết doanh nghiệp họ cắt nhỏ các mỏ ra để phân quyền khai thác.

Theo thông tin từ ông Doanh, có tỉnh đã cấp đến 200 giấy phép. Điều đáng nghi ngại hơn là thu ngân sách không đủ để nuôi bộ máy chính quyền và không đảm bảo cho trang trải chi phí hành chính và cơ sở hạ tầng. Thậm chí, có quy định khai thác mỏ phải đem lại lợi ích cho người dân nhưng ngược lại, khai thác mỏ lại đang tàn phá môi trường.

“Hơn nữa, việc khai thác mỏ theo cơ chế tự khai, tự thu đang được áp dụng trong thời gian qua cũng không thích hợp. Điều này khiến nhiều công ty khai thác lãi và rất lãi, song cũng có nhiều công ty lỗ rất nhiều,” ông Doanh chia sẻ.

Khó kiểm soát trữ lượng khai thác khoáng sản của doanh nghiệp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cần cải thiện hệ thống quản lý, thành lập quỹ tài nguyên

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam, cho biết để tăng hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản từ việc đổi mới chính sách ở Việt Nam, các tổ chức cá nhân phải có đủ điều kiện vốn, công nghệ, kinh nghiệm theo quy định mới được tham gia đấu giá, hoặc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

“Chỉ một số khu vực khoáng sản liên quan đến quá trình chuyển tiếp chính sách và một số loại khoáng sản liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia, được quy định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; các khu vực khoáng sản còn lại đều thuộc khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản,” ông Thuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản, theo ông Thuấn, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần phải lập, quản lý, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khai thác và thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản để báo cáo cơ quan nhà nước.

“Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không chấp hành, hoặc chấp hành không đầy đủ sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để thực hiện việc này hiệu quả phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý tài nguyên,” ông Thuấn lưu ý.

Đánh giá chung về mặt trái của ngành khai khoáng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trước những vấn đề đầu tư công thiếu hiệu quả, khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt, áp lực của các cơ quan tài chính về việc đảm bảo kế hoạch thu ngân sách cũng trở nên lớn hơn.

“Đây là một phần nguyên nhân khiến cho một số loại nguồn thu, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, đang được cân nhắc tăng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nếu xét về dài hạn, vấn đề sẽ không được giải quyết chỉ bằng giải pháp này được.

Vì vậy, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ hơn về cải thiện hệ thống quản lý tài chính, giảm rủi ro trốn thuế-thất thu và nâng cao hiệu quả đóng góp từ lĩnh vực khai thác tài nguyên,” tiến sỹ Lộc khuyến nghị.

Ở góc độ cơ quan quản lý tài chính, ông Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cho biết quản lý thu liên quan đến tài nguyên còn ở cơ chế tự khai, tự nộp, thiếu cơ chế quản lý đảm bảo công khai, minh bạch nên việc thất thoát tài nguyên, nguồn thu là vấn đề rất đáng lo ngại.

Chính vì vậy, ông Thuận đề xuất trong thời gian tới cần tăng cường công khai minh bạch các số liệu như: Trữ lượng, tổng sản lượng khai thác, tổng lượng xuất khẩu, giá trị tương ứng và cần phải dành một tỷ lệ nhất định cho các thế hệ tương lai.

Nhìn nhận thực tế ở góc độ quốc tế, ông Andrew Bauer, Chuyên gia phân tích kinh tế Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết hiện Việt Nam đang gặp phải một số rủi ro là không lựa chọn doanh nghiệp tốt để cấp phép, dẫn đến năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp không đáp ứng được công tác thăm dò, khai thác hoặc gây xung đột với cộng đồng…

Ông Andrew Bauer cũng khẳng định, hiện tại, Việt Nam không phải quốc gia phụ thuộc dầu mỏ nhưng có thể trở thành quốc gia phụ thuộc trong tương lai. Với bối cảnh hiện tại, việc thành lập quỹ tài nguyên chưa phải vấn đề cấp bách, tuy nhiên nếu sản lượng khai thác tăng gấp đôi hoặc hơn thì việc thành lập quỹ là rất cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục