Hiện thực hóa giấc mơ về một không gian số di động trên ôtô

Byton, một hãng xe điện của Trung Quốc, sẽ sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để giúp người lái và hành khách trải nghiệm tốt hơn khi trên xe như đáp ứng âm nhạc theo sở thích cá nhân.
Hiện thực hóa giấc mơ về một không gian số di động trên ôtô ảnh 1Mẫu xe của Byton tại CES 2019. (Nguồn; qz.com)

Các công ty công nghệ đang phải đối mặt với thách thức trong lĩnh vực xe tự lái sẽ tập trung vào "sự trải nghiệm của người sử dụng" đối với những chiếc xe đang dần thịnh hành, trở thành phương tiện góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống số của con người.

Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2019 đang diễn ra thành phố Las Vegas (Mỹ), các hãng đã "trình làng" những mẫu xe được trang bị và ứng dụng công nghệ hướng tới tạo ra một không gian thực sự thoải mái, an toàn, giải trí và riêng tư cho người sử dụng.

Các nhà sản xuất ôtô và công ty công nghệ đang tiếp tục phát triển hệ thống tự lái và hệ thống an toàn. Tuy nhiên, cần mất nhiều năm nữa để một chiếc ôtô tự lái có thể thay thế hoàn toàn con người khi lưu thông trên đường, trở thành một căn phòng di động với đầy đủ các tiện ích thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Khi đó, ôtô không còn là một phương tiện di chuyển đơn thuần, mà trở thành nơi mà chủ nhân của nó của thể sống, làm việc, giao tiếp và tận hưởng chuyến đi.

Tại CES 2019, Byton, một hãng xe điện của Trung Quốc, đã giới thiệu mẫu xe được trang bị màn hình 48 inch, theo đó người lái có thể xem phim, kiểm tra tin nhắn và nhận thông tin khác trong cả hành trình của mình.

Byton sẽ sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để giúp người lái và hành khách trải nghiệm tốt hơn khi trên xe, ví dụ đáp ứng âm nhạc theo sở thích cá nhân của mỗi người.

Chiếc xe cũng có khả năng nhận biết ai đang ngồi trong xe, đã đi trong bao lâu và đưa ra gợi ý về các nhà hàng dọc một tuyến đường đi cụ thể.

Byton thiết kế phần mềm tự lái một phần, cho phép người lái có thể tập trung vào những việc khác như xem phim, mua sắm online thông qua giọng nói hoặc lướt Internet. Chiếc xe sẽ hoạt động thông qua giọng nói, cử chỉ hoặc nhận dạng khuôn mặt.

[Sáu xu hướng công nghệ ở CES 2019 sẽ làm thay đổi thế giới]

Carsten Breitfeld, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Byton, cho rằng chiếc ôtô với nhiều tiện ích như trên có thể trở thành phương tiện quan trọng nhất trong cuộc sống số của con người.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo Sensum tại Anh và đối tác Valeo lại đề cao sự tương tác giữa người và xe khi ra mắt một ứng dụng công nghệ độc đáo có thể cảm nhận được biểu cảm, trạng thái cảm xúc của con người để chiếc xe điều chỉnh cài đặt cho phù hợp với nhu cầu của người điều khiển xe vào từng thời điểm nhấn định.

Gawain Morrison, đồng sáng lập Sensum, nhấn mạnh yếu tố con người đang ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các nhà thiết kế cân nhắc những đường nét đầu tiên cho một sản phẩm mới.

Hãng sản xuất thiết bị nội thất xe hơi Continental của Đức cũng ra mắt hệ thống giám sát có thể phát hiện nếu lái xe không tập trung, buồn ngủ hoặc đã ngủ gật, phù hợp với khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU).

Heinz Abel, Giám đốc điều hành Continental, cho biết nếu rơi vào tình trạng trên, lái xe sẽ ngay lập tức nhận được cảnh báo hoặc ghế ngồi, vôlăng rung lên, giúp người điều khiển xe trở nên tỉnh táo hơn.

Ngoài ra, nhiều hãng chuyên chế tạo ôtô hoặc phụ kiện nội thất xe hơi cũng giới thiệu các công nghệ mới có thể lắp đặt cho các loại xe thông thường hoặc xe tự lái nhằm hướng đến tối đa hóa tiện ích và an toàn cho người sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục