Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc sốt rét trên toàn thế giới đã tăng hàng triệu người trong năm 2022 - một sự thay đổi do các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo khiến căn bệnh chết người này bùng phát.
WHO cho biết sự gia tăng đột biến xảy ra sau khoảng thời gian sụt giảm kéo dài hai thập kỷ, bắt đầu từ năm 2000 khi chứng kiến số ca mắc bệnh sốt rét trên toàn cầu giảm từ 243 triệu xuống còn 233 triệu, bất chấp sự bùng nổ dân số ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng những năm gần đây, số ca nhiễm toàn cầu có xu hướng “tăng cao hơn đáng kể so với trước đại dịch.” Đã có thêm 11 triệu trường hợp mắc sốt rét được ghi nhận trong năm 2020, không thay đổi vào năm 2021, sau đó tăng thêm 5 triệu trường hợp trong năm 2022 khi có khoảng 249 triệu trường hợp mắc sốt rét trên toàn thế giới.
Theo WHO, làn sóng các ca bệnh mới được ghi nhận từ năm 2021 đến năm 2022 tập trung chủ yếu ở 5 quốc gia.
Pakistan, nơi hàng trăm người chết và hàng triệu người phải di dời do lũ lụt chưa từng có, đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về bệnh sốt rét, với 2,1 triệu ca mắc. Các quan chức y tế cho biết tỷ lệ mắc bệnh sốt rét đã tăng gấp 5 lần ở quốc gia này, từ 2,2 lên 11,5 trường hợp trên 1.000 người.
Ethiopia và Nigeria mỗi nước chứng kiến sự gia tăng khoảng 1,3 triệu trường hợp trong cùng khoảng thời gian, tiếp theo là Uganda và Papua New Guinea.
Trong khi đó, số ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới đã giảm xuống còn 608.000 ca vào năm 2022 từ mức 631.000 ca vào năm 2020, nhưng con số này vẫn cao hơn số ca tử vong trước đại dịch. Hầu hết các trường hợp tử vong do sốt rét là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
David Walton, điều phối viên sốt rét toàn cầu tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết: “Có một thực tế đau lòng là những cộng đồng ít chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu lại là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của nó.”
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự bùng phát bệnh sốt rét, một căn bệnh có khả năng gây tử vong do một loại ký sinh trùng thường lây nhiễm sang người khi bị muỗi đốt. Trong số đó, tình trạng bất ổn và xung đột chính trị, khủng hoảng nhân đạo, thiếu kinh phí y tế và tình trạng kháng thuốc là nguyên nhân chính.
Liên hợp quốc mở rộng quy mô tiêm vaccine sốt rét trên toàn châu Phi
Kế hoạch mở rộng quy mô chương trình tiêm phòng sốt rét tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nhất ở châu Phi là yếu tố quan trọng trong nỗ lực kiểm soát bệnh sốt rét.
Những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng đóng một vai trò nhất định.
Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh tình trạng Trái Đất nóng lên có thể có tác động sâu sắc, cả trực tiếp và gián tiếp, đến việc lây truyền bệnh sốt rét.
Mặc dù có ít dữ liệu về tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với sự lây lan của bệnh sốt rét, WHO cho biết có lý do để tin rằng nhiệt độ Trái Đất nóng hơn sẽ thúc đẩy sự lây lan của những căn bệnh như vậy.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt nghiêm trọng buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa, khiến họ phải tiếp xúc với các yếu tố tự nhiên và muỗi. Nước đọng còn sót lại tạo ra nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, lũ lụt còn làm hư hỏng các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cắt đứt phương tiện đi lại, khiến người bệnh không được điều trị kịp thời.
Một phân tích gần đây của báo Washington Post cho thấy biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số có thể khiến hơn 5 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét vào năm 2040, cản trở tiến trình toàn cầu chống lại căn bệnh này trong nhiều thập kỷ.
Và trong một thế giới đang nóng dần lên, ngày càng có nhiều nơi trở nên thích hợp cho căn bệnh này và vật trung gian lây truyền nó.
WHO cảnh báo sự kết hợp của các thảm họa thời tiết cực đoan, khan hiếm nguồn tài nguyên, xung đột chính trị, các mối đe dọa sinh học và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe khiến khát vọng về một thế giới không có bệnh sốt rét “vẫn còn xa tầm tay”./.