Hiệp định TPP mang nhiều cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam

Với Hiệp định TPP, Việt Nam có cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, tuy nhiên lại chịu sức ép cạnh tranh và tác động xã hội.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trải qua hơn 20 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ và được kỳ vọng đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015.

Vì vậy, để thảo luận về những cơ hội cũng như thách thức của nền kinh tế đất nước trước tác động của TPP, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (NIF) phối hợp với Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID) tổ chức hội thảo "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam" tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/12.

Tại hội thảo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam đều thống nhất cần sự hỗ trợ thông tin, hướng dẫn pháp lý và những định hướng thiết thực để đảm bảo tận dụng được các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nói chung và tham gia TPP nói riêng.

Đặc biệt, hiện nay các nước thành viên TPP được đánh giá là những thị trường tiềm năng đối với Việt Nam, đồng thời chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu toàn cầu.

Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng NIF, cho biết đối với 11 nước thành viên TPP, trong 10 tháng năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 27.921 triệu USD, tương đương 23% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; còn xuất khẩu 48.368 triệu USD, tương đương 39% tổng kim ngạch của cả nước.

Ngoài ra, trong lĩnh vực đầu tư, 11 nước nước thành viên chiếm gần 32% tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam. Do đó, việc đánh giá những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi tham gia TPP, đồng thời phân tích các tác động của Hiệp định này đến nền kinh tế Việt Nam là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp và nền kinh tế tận dụng được lợi thế một cách hiệu quả.

Theo phân tích của ông Ngô Chung Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), các cơ hội chính của Việt Nam từ Hiệp định TPP có thể kể đến là cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, hoàn thiện môi trường thể chế, tăng tính hấp dẫn với đầu tư trong và ngoài nước, tạo năng lực sản xuất mới, việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh và tác động xã hội nên Việt Nam phải nỗ lực điều chỉnh hệ thống phát luật, tư duy quản lý và năng lực quản lý.

Theo ông Jonathan Simon, Giám đốc Dự án USAID, trên tinh thần Chiếc lược Hợp tác Phát triển Quốc gia của USAID tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018, dự án sẽ nỗ lực phối hợp với nhiều tổ chức, ban ngành thúc đẩy thương mại và tăng trưởng nhằm đem lại lợi ích cho người dân. Trong đó, các hoạt động tổ chức, vận động nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến những cam kết Hiệp định TPP là một trong những mục tiêu trọng tâm.

Đặc biệt, Dự án USAID không đi sâu vào các nội dung đã thảo luận tại các vòng đàm phán Hiệp định TPP, mà tập trung cập nhật thông tin, hướng các nội dung liên quan đến những tác động và hỗ trợ cơ quan thực hiện triển khai các cam kết sau khi Hiệp định này.

Tính đến nay, Hiệp định TPP đã có gần 30 vấn đề đã thực hiện thỏa thuận sơ bộ về hợp tác và xây dựng năng lực; doanh nghiệp vừa và nhỏ; gắn kết môi trường chính sách; tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng; chính sách cạnh tranh.

Bên cạnh đó còn khoảng 20 lĩnh vực vẫn tiếp tục đàm phán nhưng phần lớn đã thống nhất về cơ bản là mở cửa thị trường hàng hoá; quy tắc ứng xử; cung cấp dịch vụ qua biên giới; thương mại điện tử; đầu tư; sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục