Ngày 6/5, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), các đại diện của 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đã ký Nghị định thư bổ sung Hiệp ước về khu vực Trung Á không có vũ khí hạt nhân.
Tham dự lễ ký còn có đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí hạt nhân, Angela Kanne, và các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmemistan và Uzbekistan tại Liên hợp quốc, là các thành viên của Hiệp ước trên.
Phát biểu sau lễ ký, bà Angela Kanne coi đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với việc củng cố hòa bình và an ninh ở Trung Á, góp phần làm sống động thêm cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo bà, việc 5 cường quốc hạt nhân ký Nghị định thư bổ sung Hiệp ước về khu vực Trung Á không có vũ khí hạt nhân đánh dấu việc kết thúc quá trình thảo luận giữa các nước ở Trung Á về một sự cam kết và bảo đảm vững chắc của các cường quốc hạt nhân đối với việc tôn trọng triệt để Hiệp ước không có vũ khí hạt nhân mà các nước ở Trung Á đã ký hồi tháng 9/2006, và chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2009.
Thay mặt các nước tham gia Hiệp ước, Đại sứ Uzbekistan tại Liên hợp quốc, M. Madrahimov bày tỏ hy vọng Nghị định thư bổ sung vừa ký sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới nói chung. Ông nhắc lại Sáng kiến do Tổng thống Uzbekistan, Islam Karimov đưa ra tại Khóa họp 48 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1993 đã dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước kể trên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi điện hoan nghênh việc ký kết văn kiện trên và đánh giá cao việc các cường quốc hạt nhân đã nhận trách nhiệm tôn trọng triệt để Hiệp ước về khu vực Trung Á không có vũ khí hạt nhân, cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân, và cũng không đe dọa sử dụng loại vũ khí này trong quan hệ với các nước tham gia Hiệp ước trên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi có thêm các khu vực ký Hiệp ước phi hạt nhân, ngoài các hiệp ước hiện có của các khu vực Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi, Thái Bình Dương và Đông Nam Á, với hơn 100 quốc gia tham gia. Ông cho rằng một khi có nhiều khu vực, đông đảo các quốc gia hành động như vậy, sẽ góp phần to lớn vào việc củng cố hòa bình, an ninh thế giới, và tiến tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân vì cuộc sống yên bình của nhân loại./.