Hiểu biết của người dân nông thôn có thể giúp cảnh báo thiên tai

Các nhà khoa học nhấn mạnh có những hiểu biết của người dân nông thôn có thể áp dụng cho các khu vực đô thị để giúp cứu mạng người và phương kế sinh nhai trên khắp thế giới.
Cảnh ngập lụt tại Muzzaffarpur ,bang Bihar, Ấn Độ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Một công trình đăng trên Tạp chí nghiên cứu của Viện Hàn lâm Anh (cơ quan nhà nước Anh về các môn khoa học xã hội và nhân loại) ngày 7/8 cho biết việc hiểu được những thay đổi trong tự nhiên (như cây cối, chim chóc và nhiệt độ) có thể được dùng để cảnh báo người dân đô thị trước các hiện tượng thời tiết cực đoan mà các dự báo hiện nay thường bị cho là không đáng tin cậy.

Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia đã phỏng vấn 1.050 người tại 21 cộng đồng dân cư nông thôn và thành thị ở Ghana, trong đó có thủ đô Accra và thành phố chính Tamale thuộc Vùng Phương Bắc, và ghi lại các chỉ dẫn tự nhiên mà các cộng đồng bản địa đã sử dụng để cảnh báo lũ lụt, hạn hán và những thay đổi về nhiệt độ.

[Toàn cầu trải qua tháng 7 nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử]

Các chỉ dẫn này bao gồm cả những mối liên hệ giữa mưa và hành động bay của ruồi, sự xuất hiện của một số loài chim, việc cây baobab nở hoa và các quan sát nhiệt độ, đã được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Giám đốc chương trình hạ tầng và các thành phố tại Viện trên, bà Caroline Knowles, khẳng định: "Các hiểu biết của người bản địa thường bị bỏ qua."

Bà nhấn mạnh rằng có những hiểu biết của người dân nông thôn có thể áp dụng cho các khu vực đô thị để giúp cứu mạng người và phương kế sinh nhai trên khắp thế giới.

Bà Knowles cho biết không phải toàn bộ các chỉ dẫn ở nông thôn đều có thể áp dụng cho các khu vực thành thị, tuy nhiên, có một số liên quan giữa hai môi trường này, như mây, nhiệt độ, côn trùng và cây cối.

Tác giả nghiên cứu trên, ông Raymond Abudu Kasei, thuộc Đại học Nghiên cứu phát triển Ghana, cho biết tăng cường trồng cây ở các đô thị có thể tạo thêm cơ hội để áp dụng các hiểu biết của người bản địa về chỉ dẫn liên quan đến hoa nở trong thành phố để cảnh báo lũ lụt.

Nghiên cứu trên cho biết hơn 3 triệu cư dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do mưa cực lớn vào năm 2050, khi biến đổi khí hậu gây ra những nguy cơ bất thường về thời tiết.

Trước đó, một báo cáo năm 2018 của mạng lưới C40 thành phố cũng cho thấy nhiệt đô cao và thiếu điện, cộng thêm thiếu lương thực và nước uống, là những mối đe dọa khác nếu lượng khí thải gây biến đổi khí hậu không được ngừng lại.

Các nhà nghiên cứu trên khuyến cáo vì lũ lụt ngày càng bất ngờ và khó đoán, việc đưa các hiểu biết của người bản địa vào các hệ thống cảnh báo dựa trên khoa học nên được ưu tiên.

Bà Knowles nhấn mạnh cần đối thoại giữa các nhóm người bản địa và các nhà nghiên cứu khí hậu bởi "hai bên đều có thể học được nhiều điều từ nhau."

Hiểu biết của người bản địa có thể sử dụng như một "tầng bổ sung" cho nghiên cứu khoa học trong việc thiết kế các hệ thống cảnh báo lũ.

Ông Stefan Thorsell cố vấn thời tiết tại Nhóm Làm việc quốc tế về các vấn đề bản địa (IWGIA) cho biết: "Chúng ta đã thấy việc sử dụng hiểu biết của người bản địa vào việc thích ứng với khí hậu ở khắp nơi trên thế giới."

Theo ông, người bản địa ở Tanzania, Zimbabwe, Myanmar và Ethiopia chẳng hạn đều sử dụng các hiểu biết của mình để quan sát và giảm thiểu các tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt hay hạn hán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục