Nhiều ý kiến cho rằng việc tỷ lệ ảo quá lớn trong mùa tuyển sinh đại học năm nay đã làm khó cho các trường, dẫn đến nhiều trường phải tuyển bổ sung. Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc có ảo trong xét tuyển là bình thường.
"Tuyển sinh đại học chưa bao giờ không có ảo. Có năm trường tôi ảo đến 47% như năm 2010, có năm đến 49,2% như năm 2011. Năm nay, tỷ lệ ảo của Đại học Y Hà Nội là 29%, cũng không phải quá khủng khiếp,” giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Hinh, kết thúc đợt xét tuyển đợt một, trường có 778 em nhập học vào các ngành, trên tổng số 1.100 chỉ tiêu, đạt 71%. Ban giám hiệu trường đã quyết định xét tuyển bổ sung cho một số chuyên ngành, trừ bác sỹ đa khoa và bác sỹ răng hàm mặt.
Chia sẻ về vấn đề thí sinh ảo, ông Hinh cho rằng, đây là chuyện bình thường trong tuyển sinh và năm nào cũng có.
“Năm ngoái, Đại học Y Hà Nội ảo 5,7%. Tỷ lệ ảo của năm 2015 thấp hơn các năm khác do thí sinh chỉ được đăng ký một trường và thông tin cập nhật liên tục, công khai. Còn các năm trước, tỷ lệ ảo lớn hơn nhiều. Có năm chúng tôi ảo đến 49%. Toàn trường, cứ gọi hai em thì chỉ có một em đến,” giáo sư Nguyễn Đức Hinh chia sẻ.
Cũng theo ông Hinh, ngay cả ngành Y đa khoa, ngành mà xã hội tưởng không có ảo, thì thực tế là duy nhất năm ngoái đạt 100% số em nhập học, còn tất cả các năm đều có thí sinh ảo.
Cụ thể, tỷ lệ ảo của ngành Y đa khoa năm nay là 10%, cao hơn một chút so với năm 2014 (5,4%), năm 2013 (6,7%), nhưng so với những năm trước đó thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Năm 2011, tỷ lệ ảo của ngành này là 21%, năm 2011 thậm chí lên đến 28,9%.
Nhưng đó là ngành có sức hút nhất trường, với những ngành khác, tỷ lệ ảo còn lớn hơn. Ví dụ, ngành Y tế công cộng có năm 80% thí sinh là ảo, gọi 5 em thì chỉ một em đến.
“Phải xác định khi tuyển sinh bao giờ cũng có tỷ lệ nào đó gọi thí sinh không vào học vì nhiều lý do. Tỷ lệ ảo năm nay không có gì ghê gớm,” ông Hinh nói.
Cùng chia sẻ vấn đề này, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, tình trạng thí sinh ảo không hề mới.
"Thí sinh ảo năm nào cũng có. Tất nhiên năm nay tỷ lệ ảo có lớn hơn, nhưng điều quan trọng là các trường phải cẩn trọng trong tính tỷ lệ ảo theo từng ngành," ông Lập nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Lập cho biết, ví dụ, tại Học viện, trường phải trừ ảo những thí sinh điểm cao nhưng đã nộp vào các trường có thương hiệu lớn hơn mình, trừ tiếp những em có điểm khá, nộp vào trường ngang mình nhưng học phí thấp hơn.
Mức độ thí sinh ảo thậm chí được cho từng ngành khác nhau. Ví dụ ngành Công nghệ thông tin là thế mạnh của trường thì mức ảo thấp hơn, nhưng ngành Kế toán thì phải trừ tỷ lệ ảo đến 60%.
"Do cẩn trọng cân nhắc từng trường hợp để tính toán nên năm nay, tuy có bị thí sinh ảo nhưng số lượng không nhiều và chúng tôi không phải tuyển bổ sung," ông Lập nói./.