Trong một chuyển động mang tính đột phá, ngày 11/1, lãnh đạo hai cộng đồng chia rẽ trên đảo Cyprus đã trao đổi những lộ trình hoạch định kế hoạch phân định biên giới mới.
Động thái này diễn ra tại cuộc hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ) đã một lần nữa thắp lên hi vọng về một thỏa thuận tái thống nhất hòn đảo bị chia cắt hơn 40 năm qua tại phía Đông Địa Trung Hải này.
Mặc dù nội dung chi tiết của các bản lộ trình không được công bố, song chúng sẽ hình thành nền tảng cơ bản cho các cuộc thảo luận chi tiết hơn nhằm giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới, vốn là yếu tố mấu chốt gây chia rẽ sâu sắc giữa hai bên.
Phát biểu trước khi bản lộ trình được trao cho Liên hợp quốc - cơ quan bảo trợ cuộc hòa đàm trên đảo Cyprus, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide khẳng định đây là lần đầu tiên các đoàn tham gia đàm phán hòa bình trao đổi và nộp lộ trình cho Liên hợp quốc. Ông nhấn mạnh cuộc hòa đàm đang đi đúng hướng.
Cho đến nay, đại diện cộng đồng gốc Hy Lạp kiên quyết yêu cầu phía người gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn trả một phần lãnh thổ hiện nay và cho phép nhiều người gốc Hy Lạp được hồi hương sau khi rời họ phải rời bỏ năm 1974. Cộng đồng gốc Hy Lạp cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút toàn bộ binh sỹ của mình khỏi đảo Cyprus, trong khi cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ sự hiện diện quân sự này.
Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên vào cuối tháng 11 năm ngoái cũng đã thất bại, bất chấp những hy vọng lạc quan trước đó của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận tái thống nhất đảo Cyprus có thể đạt được ngay trong năm 2016.
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus." Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý./.