Có thể đạt thỏa thuận về thống nhất đảo Cyprus vào cuối năm nay

Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đánh giá "chưa cuộc đàm phán nào về đảo Cyprus đạt gần đến được mức độ hiện nay."
Có thể đạt thỏa thuận về thống nhất đảo Cyprus vào cuối năm nay ảnh 1Ông Espen Barth Eide, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: Cyprus-mail)

Liên hợp quốc cho biết một thỏa thuận chấm dứt sự chia cắt đảo Cyprus đang ở gần hơn bao giờ hết và có thể hoàn tất vào cuối năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/11 ở thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus, ông Espen Barth Eide, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đánh giá "chưa cuộc đàm phán nào về đảo Cyprus đạt gần đến được mức độ hiện nay."

Dự kiến, lãnh đạo của hai cộng đồng đối địch gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mont Pelerin của Thụy Sĩ từ ngày 7-11/11 để đàm phán mở đường cho quá trình tái thống nhất đảo Cyprus sau hơn 4 thập kỷ bị chia cắt.

Cuộc gặp sẽ có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cùng Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades (đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp) và lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci.

Ông Espen Barth Eide cho biết cuộc gặp tập trung vào các phương án trao đổi lãnh thổ giữa hai bên, nhưng sẽ không phải là kiểu đàm phán một mất một còn nhằm đạt được thỏa thuận chính thức.

Từ khi được bầu vào cương vị người đứng đầu cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 đến nay, ông Mustafa Akinci đã có hàng chục cuộc gặp với Tổng thống Cyprus Anastasiades dưới sự chủ trì của ông Espen Barth Eide.

Đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa đang tập trung vào nỗ lực tái thống nhất đảo Cyprus thành một nhà nước liên bang gồm hai bang tự trị thành viên. Mục tiêu này nhiều khả năng sẽ đòi hỏi phải dịch chuyển một đường ranh giới ngừng bắn hiện đang chia cắt đảo Cyprus từ Đông sang Tây - vấn đề sẽ được giải quyết trong cuộc gặp tuần tới.

Tuy nhiên, các nội dung khác như vấn đề an ninh sẽ cần có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến sẽ được đưa ra bàn bạc sau khi hoàn thành vấn đề lãnh thổ. Một trong những vấn đề gai góc nhất hiện nay là đòi hỏi của những người Cyprus gốc Hy Lạp về việc Thổ Nhĩ Kỳ phải xóa bỏ quyền can thiệp vào đảo Cyprus theo Hiến pháp năm 1960.

Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."

Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.