Ngày 8/11, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi cùng người đồng cấp Cyprus Nicos Anastasiades và Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã nhất trí tăng cường hợp tác ba bên trong lĩnh vực năng lượng, an ninh, chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ nhất tại thủ đô Cairo, Tổng thống el-Sisi khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với Cyprus và Hy Lạp trên nhiều lĩnh vực sao cho tương xứng với mức độ hợp tác chính trị tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, qua đó giúp thực hiện "các giải pháp lâu dài" đối với các thách thức mà Trung Đông đang phải đối mặt, trong đó có tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, khôi phục ổn định tại Libya và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria và Iraq.
Tổng thống Cyprus Anastasiades nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của Nicosia đối với các nỗ lực của Cairo trong việc diệt trừ khủng bố ở cả trong nước và khu vực.
Thủ tướng Hy Lạp Samaras cũng cho rằng các nước Địa Trung Hải đang phải đối mặt với các mối đe dọa chung, vì thế cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chống lại các mối đe dọa này. Hai nhà lãnh đạo Cyprus và Hy Lạp cũng khẳng định sẽ ủng hộ Ai Cập và cam kết đóng vai trò là "đại sứ" của Cairo trong Liên minh châu Âu (EU).
Kết thúc hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã ra "Tuyên bố Cairo" nhấn mạnh quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác ba bên trong mọi lĩnh vực, bày tỏ quan điểm chung về một số vấn đề khu vực và quốc tế, nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn ba bên vì lợi ích của người dân ba nước và toàn khu vực.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi một "giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề Cyprus, theo đó sẽ thống nhất hòn đảo này theo luật pháp quốc tế". Ngoài ra, tuyên bố cũng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus, đồng thời cáo buộc Ankara cản trở các cuộc đàm phán hòa bình bằng các "hành động khiêu khích"; kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "ngừng mọi hoạt động khảo sát địa chấn trong khu vực hàng hải của Cyprus và không có thêm những hành động tương tự trong tương lai."
Trước đó, Cyprus cáo buộc một tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế ở phía Nam đảo quốc này. Phía Ankara thông báo con tàu sẽ tiến hành khảo sát tới ngày 30/12 trong cùng khu vực mà Cyprus đã cấp phép thăm dò dầu khí cho một công ty năng lượng liên doanh giữa Italy và Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ luôn căng thẳng liên quan tới vấn đề đảo Cyprus. Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này và lập nên "Cộng hòa Bắc Cyprus" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, song không được quốc tế công nhận. Nhà nước Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Trong khi đó, quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ở mức thấp nhất sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo - phong trào có liên hệ với Đảng Xây dựng và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ./.