Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 18/10, các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức, đã kêu gọi các bên đối địch ở Sudan tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ khẩn cấp cho hàng triệu người đang rất cần cứu trợ ở quốc gia Đông Bắc Phi này.
Xung đột đã nổ ra kể từ tháng 4/2023 giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) do Tướng Abdel Fattah Al-Burhan đứng đầu và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do cấp phó trước đây của ông Al-Burhan là Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy. Cả hai bên đều bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, bao gồm nhằm mục tiêu vào dân thường và cản trở hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo.
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ nêu rõ: "Việc cản trở có hệ thống của hai bên đối với các nỗ lực nhân đạo trong nước và quốc tế là căn nguyên gây nên nạn đói hiện nay ở Sudan."
Các quốc gia phương Tây yêu cầu dỡ bỏ hạn chế di chuyển tại cửa khẩu biên giới Adre từ Cộng hòa Chad, nơi các xe tải chở viện trợ của Liên hợp quốc đang chờ để tiến vào Sudan.
Tuyên bố của các nước phương Tây cũng yêu cầu mở tất cả các tuyến đường xuyên biên giới, điều mà cả SAF và RFS đã cam kết trước đó.
Trong tuyên bố do Ủy viên phụ trách Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) ký, các nước phương Tây nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án việc SAF và RSF vẫn liên tục cản trở các nỗ lực nhân đạo."
Tuyên bố nêu rõ việc cung cấp viện trợ nhân đạo ngay lập tức và đầy đủ cho những người dân đang cần giúp đỡ ở Sudan là điều rất cần thiết để giảm thiểu tổn thất nhân mạng trên quy mô lớn.
Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và buộc hơn 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 3 triệu người đã chạy trốn sang các quốc gia khác.
Khoảng 26 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Một số vòng đàm phán giữa SAF và RFS đến nay đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột ở Sudan./.
OCHA: Gần 3 triệu người chạy trốn khỏi Sudan sau 18 tháng xung đột
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) lo ngại về tình trạng người dân tiếp tục phải di dời do xung đột ở một số khu vực của Sudan.