Ngày 16/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết sau 18 tháng xung đột, gần 3 triệu người tị nạn và người hồi hương đã chạy trốn khỏi Sudan để tìm kiếm sự an toàn ở các nước láng giềng và xa hơn, chủ yếu là tới Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Chad, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Nam Sudan và Uganda.
OCHA đã bày tỏ lo ngại về tình trạng người dân tiếp tục phải di dời do xung đột ở một số khu vực của Sudan.
Số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy trong bối cảnh căng thẳng leo thang, chỉ riêng trong nửa đầu tháng 10 đã có khoảng 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa, nâng tổng số người di tản bên trong Sudan kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 4/2023 lên gần 8,2 triệu người.
Thống kê của IOM cho thấy tại khu vực Tây Darfur, khoảng 27.500 người đã phải di dời do tình trạng mất an ninh, các cuộc tấn công tại thị trấn Selea và các ngôi làng xung quanh vào đầu tuần trước.
Do bạo lực gia tăng ở Darfur, gần 25.000 người đã đến miền Đông Cộng hòa Chad chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 10, đây là số lượng người mới đến cao nhất trong một tuần của năm 2024. Theo OCHA, Chad hiện là nơi tiếp nhận 681.944 người tị nạn Sudan, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trước tình hình trên, OCHA kêu gọi tất cả các bên xung đột ở Sudan ngừng giao tranh, bảo vệ dân thường và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo.
OCHA cho biết khi mưa giảm, các tổ chức viện trợ sẽ vận chuyển nhu yếu phẩm đến những khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất./.
Liên hợp quốc cảnh báo về khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Sudan
Xung đột tại Sudan đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay, khi đã có hơn một nửa dân số quốc gia này, tương đương 25,6 triệu người, đang bị thiếu lương thực trầm trọng.