Hoa Kỳ muốn trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper nêu rõ Hoa Kỳ mong muốn trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam về an ninh năng lượng, lương thực, khí hậu.
Dây chuyền may xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ lẫn nhau nên có rất nhiều tiềm năng hợp tác, không chỉ năng lượng, biến đổi khí hậu mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Đặc biệt, Việt Nam luôn coi và mong muốn Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất, thực chất trong cả lời nói và hành động.

Riêng lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tuy nhiên Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác; trong đó, có Hoa Kỳ.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra trong khuôn khổ buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper ngày 21/3 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng Đại sứ Marc E.Knapper đã chính thức nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và kỳ vọng Đại sứ tạo dựng được nhiều cột mốc cụ thể, mang tính chất bản lề để từng bước nâng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ hợp tác hiệu quả, chân thành với Hoa Kỳ để đạt những mục tiêu này, nhất là trong lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng và cùng chung lợi ích.

Cụ thể như duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lượng, kinh tế số trên cơ sở hài hòa lợi ích, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia.

[Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ]

Theo Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết sẽ làm việc, hợp tác với Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam để có thể nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

“Hoa Kỳ mong muốn trở thành đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh năng lượng, lương thực, khí hậu. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ, tư nhân của Hoa Kỳ.”

Đại sứ Marc E.Knapper chia sẻ và đánh giá cao việc Bộ Công Thương phê duyệt Dự án năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Cùng với đó, hy vọng Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thông qua Chương trình thí điểm thỏa thuận mua bán điện trực tiếp và tiến tới ký kết Ý định thư về sáng kiến năng lượng sạch.

Đại sứ Marc E.Knapper cho rằng những phương thức này có thể tạo điều kiện thúc đẩy hơn sự chuyển đổi năng lượng của Việt Nam cũng như tạo cơ hội đón luồng đầu tư về năng lượng sạch vào Việt Nam.

Đặc biệt, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước đồng minh cam kết hợp tác với Việt Nam để đảm bảo Việt Nam có được nguồn hỗ trợ tài chính về công nghệ, chuyên môn, nhân lực, thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng này.

Nhắc lại vụ việc mật ong Việt Nam bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra chống bán phá giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn Đại sứ chuyển tải thông điệp tới Bộ trưởng DOC; đồng thời, đề nghị có thể sử dụng các nguồn dữ liệu phù hợp, khách quan để nhằm đảm bảo nguyên tắc “so sánh công bằng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi tính toán biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mật ong của Việt Nam dù đều là các doanh nghiệp nhỏ nhưng đã nỗ lực hợp tác và cung cấp các thông tin cho cơ quan điều tra của Hoa Kỳ.

Trong vụ việc này, mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là mật ong nguyên liệu sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm và không cạnh tranh với mật ong được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng mật ong của Việt Nam không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất mật ong của Hoa Kỳ. Hiện tại, ngành chế biến mật ong của Hoa Kỳ mới chỉ đáp ứng được hơn 25% tổng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này.

Do đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá quá cao với mật ong Việt Nam sẽ gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho ngành chế biến thực phẩm của Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng của Hoa Kỳ sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự xem xét tích cực, công bằng và khách quan của DOC trong Kết luận cuối cùng của vụ việc, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO, hướng tới hài hòa lợi ích trong thương mại song phương và các mục tiêu chung của hai nước,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, để triển khai tích cực các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực công thương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tin tưởng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sầu, ổn định lâu dài. Qua đó, tạo cơ sở để tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, hướng tới nâng tầm quan hệ song phương trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục