Kết quả nghiên cứu hóa thạch gạo đen được tìm thấy cuối năm 2019 dưới tầng hầm của khu đền Preah Ko huyện Thala Barivat, tỉnh Stung Treng cho thấy người Campuchia đã trồng lúa từ đầu thời kỳ đồ đá mới khoảng 12.000 năm trước và kết thúc hoạt động canh tác này khi xuất hiện các nền văn minh khoảng 3.500 năm trước Công nguyên.
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn nhật báo Phnom Penh Post ngày 23/2 cho biết hồi tháng 7 năm ngoái, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Học viện Hoàng gia Campuchia đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Campuchia, Tiến sỹ Thuy Chanthourn đã gửi các mẫu hóa thạch gạo đen nói trên đến phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Australia (ANU) để nghiên cứu.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia khảo cổ và nhân chủng học Rachel Wood tại Trường Nghiên cứu khoa học Trái Đất thuộc (ANU), Tiến sỹ Chanthourn đã đưa ra kết luận "hóa thạch gạo đen có niên đại từ khoảng 900 năm đến 1.000 năm trước. Nghiên cứu khoa học đã tiết lộ minh chứng lâu đời nhất về ngành gieo trồng lúa gạo tại Campuchia.”
[Những sự kiện khoa học nổi bật trong năm 2019]
Ngoài các bằng chứng mới, Tiến sỹ Chanthourn còn dẫn kết quả của các nghiên cứu khác được thực hiện trên vỏ trấu cổ ở một số địa điểm tại đền Banteay Kou thuộc phía Đông sông Mekong có niên đại khoảng năm 2.000 trước Công nguyên.
Nghiên cứu cho thấy gạo là loại ngũ cốc chính của người Đông Nam Á kể từ thời kỳ đồ đá mới.
Theo công trình nghiên cứu của Sở Văn hóa và mỹ thuật tỉnh Stung Treng, trong thời kỳ Campuchia là thuộc địa của Pháp, gạo đen rất phong phú và người dân Campuchia có thói quen rắc gạo xuống đất để chúc phúc cho nhau.
Người dân huyện Thala Barivat cho rằng mẫu gạo đen nói trên thực sự là kho báu văn hóa của tổ tiên khi xây dựng Đền Preah Ko.
Ngày nay, gạo đen vẫn được người Campuchia coi là giống “Gạo vinh quang”./.