Các nhà khoa học Trung Quốc và Đan Mạch vừa khôi phục thành công các vật liệu di truyền từ hóa thạch có niên đại 1,9 triệu năm của loài vượn lớn Gigantopithecus blacki.
Phát hiện được trích dẫn trong bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 13/11 đánh dấu lần đầu tiên bằng chứng protein từ các hóa thạch cổ tại vùng cận nhiệt đới như vậy được khôi phục.
Các nhà khoa học nhấn mạnh phát hiện này đã giúp gợi mở nguồn gốc và quá trình tiến hóa của loài vượn lớn tuyệt chủng từ lâu.
Nhà nghiên cứu Liao Wei thuộc Bảo tàng Nhân chủng học Quảng Tây cho biết các vật liệu di truyền gồm các chuỗi protein men răng đã được khôi phục vào năm 2018 từ một hóa thạch răng hàm của Gigantopithecus blacki có niên đại 1,9 triệu năm được tìm thấy năm 2008 trong một hang động ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.
[Phát hiện hóa thạch sinh vật sống cách đây 545 triệu năm]
Dựa vào hóa thạch này, giới khoa học phán đoán Gigantopithecus là động vật cùng họ với loài đười ươi Orangutan và cùng có chung tổ tiên từ cách đây 12-10 triệu năm.
Với chiều cao ước đạt khoảng hơn 2m, nặng trên 300kg, giống vượn lớn này là loài linh trưởng lớn nhất được biết đến từng sống trên Trái Đất.
Hóa thạch của loài này có niên đại từ cách đây khoảng 300.000 năm.
Giáo sư Wang Wei tại Đại học Sơn Đông nhận định men răng dày và cứng của loài vượn lớn nói trên cùng sự thật rằng hóa thạch được tìm thấy trong một hang động có nhiệt độ và độ ẩm tương đối ổn định là những yếu tố tổng hòa thuận lợi cho hóa thạch trường tồn theo thời gian.
Giáo sư Wang cũng nhấn mạnh chính hai yếu tố này đã giúp các nhà khoa học đạt được bước đột phá trong quá trình nghiên cứu.
Trong khi đó, nhà khoa học Frido Welker tại Đại học Copenhagen, tác giả của công trình nghiên cứu, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên vật liệu di truyền cổ như vậy được tìm thấy trong môi trường ẩm và ấm, đồng thời cho rằng phát hiện này mang tính chất đột phá trong lĩnh vực sinh vật học tiến hóa./.